Trong thế giới phẳng và truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ hiện nay thì mạng xã hội trở thành một kênh truyền thông không thể thiếu và rất hiệu quả cho công tác tuyên truyền tư tưởng. Bởi thế, mạng xã hội đã thực sự trở thành một thành tố trong hoạt động tuyên truyền tư tưởng của Đảng. Điều này đòi hỏi công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng, tất yếu sr dụng mạng xã hội.



THỨ NHẤT, mạng xã hội là một kênh chuyển tải nội dung tuyên truyền, cung cấp thông tin nhanh nhạy, cập nhật góp phần xử lý các tình huống tư tưởng và định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Trong công tác tuyên truyền tư tưởng của Đảng, mạng xã hội là một kênh chuyển tải nội dung cơ bản của hệ tư tưởng chính trị, quan điểm, đường lối chủ trương được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời mạng xã hội cũng là kênh chuyển tải các thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…nhanh nhạy và cập nhật nhất, qua đó giúp chủ thể tuyên truyền chủ động chuẩn bị nội dung, cung cấp thông tin kịp thời nhằm góp phần xử lý các tình huống tư tưởng nảy sinh và định hướng dư luận xã hội có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội nhiều khi rất cần thu thập, tìm hiểu và tiếp cận các các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước một cách nhanh nhất và tiện lợi nhất, và điều đó chỉ có thể qua mạng xã hội. Nhiều thông tin về các vấn đề trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội diễn ra từng phút, từng giờ trong nước và thể giới cũng nhờ mạng xã hội mà người dân có thể cập nhật. Những vấn đề bức xúc về tư tưởng, về hành vi của cộng đồng xã hội cũng nhờ mạng xã hội mà các chủ thể lãnh đạo, quản lý, cơ quan hữu trách nắm bắt nhanh và chủ động đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả, tạo sự ổn định, đồng thuận, thống nhất trong Đảng và trong xã hội.

THỨ HAI, mạng xã hội là cầu nối giữa chủ thể và đối tượng trong công tác tuyên truyền tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Với vai trò là phương tiện của công tác tuyên truyền, mạng xã hội trở thành cầu nối quan trọng và hiệu quả giữa chủ thể và đối tượng tuyên truyền. Chúng ta biết rằng, chủ thể tuyên truyền luôn muốn chuyển tải các nội dung tuyên truyền có mục đích của mình đến với càng nhiều đối tượng càng tốt. Trong khi đó, dịch vụ mạng xã hội có những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và xã luận. Mạng xã hội đã đổi mới hoàn toàn cách cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu của mỗi ngày cho hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới. Chính các tiện ích mà mạng xã hội đem lại đã tạo thành cầu nối, và là môi trường thuận lợi để người sử dụng, bao gồm cả chủ thể và đối tượng tuyên truyền có thể tương tác với nhau một cách “bình đẳng”.

Điều đáng quan tâm cho các chủ thể tuyên truyền chính là cơ hội để tiếp nhận các thông thông tin phản hồi từ phía đối tượng tuyên truyền thông qua mạng xã hội. Nhờ có sự chia sẻ của người sử dụng mà cả chủ thể và đối tượng tuyên truyền (ẩn danh hoặc chính danh) có thể nắm bắt được nhu cầu về thông tin, về trạng thái cảm xúc… của nhau. Đây chính là cơ hội để chủ thể tuyên truyền chủ động tìm ra biện pháp ứng phó nhằm đạt được mục đích tuyên truyền. Nắm bắt thông tin phản hồi từ đối tượng là một yêu cầu rất quan trọng có ảnh hướng lớn đến hiệu quả hoạt động tuyên truyền của chủ thể.

Chỉ có mạng xã hội mới là kênh mà chủ thể dễ tiếp cận với đối tượng nhất, điều kiện tương tác lại thông thoáng nhất, và do đó thông tin phản hồi từ đối tượng tuyên truyền được thể hiện dễ dàng và khách quan nhất. Đó chính là yếu tố quan trọng để chủ thể tuyên truyền chủ động điều chỉnh nội dung, phương thức tuyên truyền có hiệu quả trong công tác tuyên truyền tư tưởng của Đảng.

THỨ BA, mạng xã hội là phương tiện truyền thông có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền tư tưởng, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay.

Công tác tuyên truyền tư tưởng sử dụng rất nhiều loại phương tiện truyền thông khác nhau để chuyển tải nội dung tuyên truyền. Chẳng hạn như: các phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các thiết chế văn hóa – văn nghệ… Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ tạo cơ hội cho sự bùng nổ thông tin toàn cầu, thì truyền thông xã hội, đặc biệt là mạng xã hội đã trở thành một loại phương tiện truyền thông rất quan trọng trong công tác tuyên truyền tư tưởng. Theo đó, mạng xã hội có tác động không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động tuyên truyền. Bởi chất lượng và hiệu quả tuyên truyền phụ thuộc vào chính chất lượng của từng yếu tố và hiệu quả tác động của từng yếu tố đó trong công tác tuyên truyền. Trong khi đó, mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay lại có sự tác động rất mạnh mẽ đến tất cả các yếu tố của công tác tuyên truyền.

Đối với chủ thể tuyên truyền, mạng xã hội vừa là phương tiện hữu hiệu để chuyển tải nội dung và khai thác thông tin nhanh, kịp thời, đa dạng (tất nhiên là thông tin có kiểm chứng, rõ nguồn gốc); tìm kiếm các tri thức tổng hợp để nâng cao hiểu biết, hoàn thiện bản thân vừa là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi từ đối tượng rất hiệu quả.

Đối với đối tượng tuyên truyền, việc sử dụng mạng xã hội như là một công cụ có quá nhiều tiện ích để bày tỏ quan điểm, tư tưởng của cá nhân về các vấn đề cộng đồng xã hội quan tâm, đồng thời là môi trường để chia sẻ, tương tác với bạn bè những tâm tư, tình cảm mang tính cá nhân, nhưng cũng là nơi để mỗi cá nhân có thể tìm kiếm thông tin, kiến thức thuận lợi phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ cho bản thân. Vì thế, việc sử dụng mạng xã hội trở thành nhu cầu thiết yếu của đa số người dân – đối tượng của hoạt động tuyên truyền. Và chính mạng xã hội đã góp phần đem lại những thay đổi nhanh chóng về nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng tuyên truyền.

Đối với nội dung tuyên truyền, mạng xã hội vừa là môi trường lưu giữ, chuyển tải nội dung, đồng thời là kho tư liệu đồ sộ, đa dạng, phong phú về thông tin để xây dựng và hoàn thiện nội dung tuyên truyền.

Đối với phương thức tuyên truyền, mạng xã hội vừa là công cụ rất tiện lợi, hiện đại, hiệu quả để kết nối nhằm phát huy tác dụng của các phương pháp, hình thức trong chuyển tải nội dung tuyên truyền, vừa là yếu tố cấu thành của phương thức tuyên truyền, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay.

Có thể thấy rằng, mạng xã hội có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền tư tưởng của Đảng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch hiện nay. Vì vậy, nhận thức đúng bản chất vai trò của mạng xã hội để vận dụng hiệu quả vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của mỗi chủ thể công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay./.

 

Đăng nhận xét

 
Top