Thời gian qua, khi Đảng, Chính phủ phát động cuộc chiến chống tham nhũng và đã đạt được nhiều kết quả to lớn (đã có nhiều lãnh đạo cấp cao cả ở Trung ương, địa phương bị bắt giữ, khởi tố và đưa ra xét xử), qua đó được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ và từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực của cuộc đấu tranh chống tham nhũng mang lại thì cũng xuất hiện hiện tượng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, địa phương đó là tình trạng cán bộ né việc, né trách nhiệm diễn ra khá phổ biến ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.



Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hiện tượng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ diễn ra ở nhiều địa phương, kể cả một số bộ, ngành Trung ương tập trung vào một số lĩnh vực đó là: Giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp... Đáng chú ý, cán bộ trong quá trình luân chuyển công tác càng có biểu hiện ngại việc, có tâm lý thủ thế, tránh sai sót, để chờ hết thời gian luân chuyển. Điều này đã làm trì trệ và chậm trễ nền công vụ, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế-xã hội; cản trở nguồn lực và động lực phát triển, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay...

Nguyên nhân của hiện tượng trên là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, sợ trách nhiệm là vì nếu vi phạm kỷ luật công vụ thì bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính; nếu vi phạm pháp luật thì cán bộ, công chức có thể sẽ bị xử lý về mặt hình sự. Do đó dẫn đến tình trạng, vì sợ sai và vi phạm phạm pháp luật nên né việc, đùn đẩy trách nhiệm. Các quy định của pháp luật chưa thấy những quy định cụ thể về xử lý cán bộ, công chức né việc, chỉ thấy các quy định xử lý khi cán bộ không chấp hành giờ làm việc, nghỉ việc không đúng quy định, làm việc riêng trong giờ hành chính... Còn khi cán bộ, công chức vẫn ở cơ quan theo đúng quy định thì không dễ để xử lý khi công việc chưa hoàn thành...

Để giải quyết tình trạng trên thiết nghĩ các cơ quan chức năng và bản thân mỗi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức cần phải nhận thức rõ:

- Trong công tác cán bộ phải lựa chọn những cán bộ đủ đức, đủ tài, kinh nghiệm và bản lĩnh, dám làm, có trách nhiệm với công việc.

- Người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải xác định mình là người đứng đầu, "thuyền trưởng"... đó phải dám làm, dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình; phải biết "dùng người", phân công đúng công việc phù hợp khả năng, sở trường của từng cán bộ; phải công khai minh bạch trong lựa chọn, sử dụng và bảo đảm quyền lợi cho cán bộ khi thực hiện công việc; kiên quyết đánh giá và đưa ra hình thức xử lý đối với những người làm việc thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh công việc; đồng thời động viên, biểu dương và có chính sách khen thưởng đối với những cán bộ dám làm, dám nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Trong công tác quản lý cán bộ, không để một người giữ chức vụ, vị trí trong thời gian dài dễ phát sinh tiêu cực và "cản bước" sự phát triển của những cán bộ khác; việc luân chuyển hoặc quy hoạch cán bộ cần lựa chọn những người có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, nhiệt tình trong công việc, sẵn sàng nhận những việc khó.

- Bên cạnh việc nghiên cứu về nguyên nhân cán bộ công chức, viên chức né việc, sợ trách nhiệm thì cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu việc nâng cao, hỗ trợ chính sách, tiền lương để họ yên tâm công tác và cống hiến do đó sẽ luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng.

Do đó việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm và cống hiến và khắc phục triệt để tình trạng né công việc, sợ trách nhiệm trong thực thi công việc hiện nay đối với cán bộ công chức, viên chức là hết sức cần thiết để việc triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Đảng và phục vụ nhân dân không bị gián đoạn, thông suốt từ Trung ương tới địa phương./.

Đăng nhận xét

 
Top