Ngay trước Giáng sinh 2023 Giáo hội Công giáo Việt Nam đón nhận một tin rất vui khi chính Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thông báo ông đã có thư chính thức mời Giáo hoàng thăm Việt Nam. Tại cuộc gặp với các lãnh đạo Tổng giáo phận Huế nhân dịp Lễ Giáng sinh 2023, ông Võ Văn Thưởng nói ông mong muốn đích thân Giáo hoàng Phanxico sang thăm Việt Nam “để chứng kiến sự phát triển về kinh tế-xã hội và đời sống tôn giáo ở Việt Nam”.
Cách đây một vài
tháng, Giáo hoàng Phanxico đã khẳng định mong muốn được đến thăm Việt Nam, một
đất nước có tới hơn 7 triệu tín đồ Công giáo, đông thứ 5 ở châu Á cả về số
lượng và tỉ lệ người theo.
Trong khi đó, các thế
lực chống phá, cơ hội chính trị ra sức tìm cách hạ thấp ý nghĩa của chuyến thăm
dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2024 bằng cách tiếp tục thông tin xuyên tạc về
tình hình tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn
giáo của Đảng và Nhà nước ta. Chúng tỏ ý nghi ngờ rằng “Mời thì mời chứ chắc gì
Giáo hoàng sẽ sang”, “Cứ chờ đấy còn lâu Giáo hoàng mới sang thăm cộng sản”,
“Giáo hoàng sang thăm chắc để xem tôn giáo ở Việt Nam bị đàn áp thế nào đây
mà?”, “Vô thần phải lụy thần rồi. Chắc cộng sản Việt Nam bây giờ sợ rồi”… Một
số người còn quay sang phê phán Tòa thánh “tại sao lại phải nhượng bộ một chính
quyền đàn áp tôn giáo như Việt Nam?”.
Trong những năm qua,
tôn giáo, đặc biệt là Công giáo, luôn là một trong những lĩnh vực chính mà các
thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc, chống
phá Việt Nam. Họ không ngừng phê phán tình hình tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng
chính quyền trong nước hạn chế tự do tôn giáo, lấy đất của nhà thờ, bắt giam
những nhân vật “đấu tranh cho tự do tôn giáo”, trong đó có một số linh mục Công
giáo; cô lập, không cho những nhóm tôn giáo được thực hiện đầy đủ các quyền cơ
bản. Họ xuyên tạc quy định “việc đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập
trung” trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là nhằm “kìm kẹp hoạt động tôn giáo”.
Cách tiếp cận của các thế lực thù địch là cố gắng tìm kiếm những hạn chế, cho
dù là rất nhỏ trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam để biến những hạn chế rất nhỏ
ấy thành bản chất chế độ. Bằng cách tiếp xúc, phỏng vấn một số nhân vật bất
mãn, phản động, đưa ra những bằng chứng mù mờ, họ vu cáo Việt Nam không tôn
trọng quyền tự do tôn giáo. Không ít tổ chức, cá nhân nhận tài trợ tiền để
tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về
tôn giáo nhằm gây bất ổn về an ninh, trật tự tại địa phương.
Những thông tin, luận
điệu xuyên tạc của những kẻ xấu hoàn toàn không phản ánh khách quan thực tiễn
sinh động các hoạt động tôn giáo nói chung và hoạt động Công giáo ở Việt Nam
nói riêng. Hiện nay, cộng đồng Công giáo ở Việt Nam có 7.771 cơ sở thờ tự,
trong đó có hơn 2.000 nhà thờ. Các nhà thờ ở khắp cả nước luôn mở cửa đón giáo
dân đi lễ hàng ngày. Những người theo đạo Thiên chúa có thể đi nhà thờ bất cứ ở
địa phương nào. Đặc biệt, vào những ngày này bất cứ ai đến Việt Nam đều có thể
tận mắt chứng kiến không khí đón Giáng sinh rộn ràng tại tất cả các tỉnh, thành
phố. Điều này khiến những du khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam cảm thấy rất
bất ngờ và thích thú. Đã từ lâu cái tên ông già Noel đã trở nên thân quen không
chỉ với những người theo đạo Thiên Chúa, mà còn đối với người dân Việt Nam nói
chung.
Mối quan hệ song
phương giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican cũng đang ngày càng phát
triển trên tinh thần hiểu biết, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Từ năm 1990,
hai bên thường xuyên cử các đoàn cấp thứ trưởng thăm và trao đổi về các vấn đề
quan hệ song phương. Hoạt động thăm viếng cấp cao bắt đầu từ năm 2007. Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng và các chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trần Đại Quang,
Võ Văn Thưởng đã thăm Tòa thánh Vatican. Trong chuyến thăm Vatican của Chủ tịch
nước Võ Văn Thưởng vào tháng 7/2023, hai bên đã thông qua “Quy chế hoạt động
của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt
Nam”, một bước tiến quan trọng trong việc tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao
chính thức giữa hai bên.
Quan điểm nhất quán
của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo; quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình
đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động
của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Khuôn khổ pháp lý không ngừng được
hoàn thiện, tạo thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo, trong đó có Công giáo.
Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của tất cả mọi người dân. Chỉ những
ai cố tình lợi dụng tôn giáo để can thiệp sai trái vào công việc nội bộ của
Việt Nam mới bị xử lý.
Có thể nói, chưa bao
giờ đời sống tôn giáo ở Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Hãy đến
Việt Nam để cảm nhận không khí Giáng sinh, để xem người dân trong nước và người
nước ngoài ở Việt Nam chuẩn bị đón Giáng sinh thế nào và để cảm nhận chính xác
về tự do tôn giáo ở Việt Nam./.
St
Đăng nhận xét