Bộ luật Lao động (năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021), lần đầu tiên quy định cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp, ngoài Công đoàn Việt Nam, gọi là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí đã ráo riết tuyên truyền, lôi kéo công nhân và người lao động nhằm tập hợp lực lượng và cho ra đời cái gọi là tổ chức “công đoàn độc lập” ở Việt Nam.



Dưới lớp vỏ bọc này, các thế lực thù địch rêu rao những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước, thậm chí xúi giục, kích động các hành vi làm bất ổn chính trị, xã hội tại Việt Nam.

Bề ngoài, chúng tuyên bố “không làm chính trị” nhưng lại câu kết với các tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam như: Nghiệp đoàn FO, Lao động Việt, Nhóm bạn công nhân thuộc Việt Tân, Hội nhà báo độc lập... Các tổ chức này hoàn toàn không đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và công nhân, mà thực chất là đội lốt, mượn mũ công nhân để thực hiện mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động.

Để thực hiện âm mưu trên, các đối tượng đã tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép với Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn  bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động... nhằm tạo tiền đề cho việc hình thành những đảng phái chính trị đối lập trong nước. Chúng công khai lộ trình gồm 4 giai đoạn: (1) Yêu cầu Việt Nam sớm ban hành Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động; (2) Tác động để người lao động thay đổi nhận thức và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình thông qua tổ chức đại diện người lao động; (3) Thành lập tổ chức “Công đoàn độc lập” để tạo ra sự cạnh tranh với Công đoàn Việt Nam; (4) Khi đa nguyên công đoàn thì Việt Nam sẽ đa nguyên về chính trị.

Bên cạnh đó, các tổ chức khủng bố, phản động trong và ngoài nước cũng ráo riết đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, lôi kéo công nhân, người lao động thành lập các hội, nhóm, tổ chức bất hợp pháp trên lĩnh vực lao động, công đoàn tại các địa phương nhằm đón bắt thời cơ thành lập “Công đoàn độc lập” tại Việt Nam...

Về bản chất, Công đoàn độc lập Việt Nam không phải tổ chức đại diện cho người lao động Việt Nam và không phải do người lao động hay tổ chức hợp pháp của người lao động Việt Nam lập ra. Và một số đối tượng khi thành lập Công đoàn độc lập Việt Nam thì không phải mục đích đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân Việt Nam. Mục đích của chúng là nhằm hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nội địa, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.

Đối với Việt Nam, tổ chức công đoàn được quy định cụ thể trong Hiến pháp, Luật Công đoàn Việt Nam nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Thực tế nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm này, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Để hỗ trợ người lao động, các cấp công đoàn đã chủ động tổ chức các hình thức hoạt động chăm lo người lao động thiết thực, hiệu quả. Ngoài các mô hình, cách làm truyền thống, đã sáng tạo mô hình siêu thị 0 đồng, xe buýt 0 đồng, ATM gạo, gian hàng lưu động 0 đồng, gói hỗ trợ dinh dưỡng, túi an sinh công đoàn… và vận động các chủ nhà trọ, các doanh nghiệp trên địa bàn miễn, giảm giá thuê nhà, giảm giá các mặt hàng thiết yếu để kịp thời hỗ trợ công nhân lao động lương thực, các nhu yếu phẩm thiết yếu, khắc phục khó khăn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng rà soát và tiếp nhận, cấp phát lương thực, thực phẩm tới tay công nhân lao động tạm trú trong các khu nhà trọ bị phong toả, đúng đối tượng, không kể ngày hay đêm. Đặc biệt là từ đầu năm 2023 đến nay kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái do hậu quả lâu dài của đại dịch Covid-19 cũng như những căng thẳng, bất ổn chính trị, xung đột trên thế giới. Tổ chức công đoàn các cấp đã luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động. Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm ở nước ta chỉ 2,5%, ở mức thấp so với mặt bằng chung trên thế giới. Hoạt động công đoàn tại nhiều địa phương ngày càng đổi mới với nhiều phương thức hiệu quả, thích ứng tình hình mới nhằm giải quyết kịp thời, đầy đủ những nguyện vọng chính đáng cho người lao động, đặc biệt là vấn đề tiền lương và việc làm.

Không chỉ bảo đảm việc làm và thu nhập, và quyền lợi của công nhân, Liên đoàn lao động nhiều tỉnh, thành phố cùng các đơn vị liên quan cũng rất nỗ lực trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội đối với công nhân làm việc trên địa bàn. Đến nay đã có nhiều tỉnh, thành phố giới thiệu quỹ đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thì đòi hỏi mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ, những người đang làm việc trong các doanh nghiệp cần tỉnh táo, cảnh giác nhận diện và đấu tranh với thủ đoạn của các đối tượng nêu trên. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân, người lao động nắm rõ mục đích, ý nghĩa việc tham gia Công đoàn, đồng thời nhận diện âm mưu của kẻ xấu lợi dụng việc kêu gọi thành lập các tổ chức công đoàn độc lập để thực hiện mưu đồ chống phá, gây bất ổn xã hội./.

Đăng nhận xét

 
Top