Ngày 2-4, số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các máy tính bị dính virus hiện nay là 1.845.133, giảm 17,42% so với quý IV-2018, giảm 56,19% so với cùng kỳ quý I-2018.

Số liệu được ghi nhận từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin cho thấy, không chỉ có số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam giảm, mà số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma (mạng Botnet) cũng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

Các số liệu thống kê cho thấy tình hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin phối hợp với 2 thành phố triển khai trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định.

Tính đến hết quý I-2019, tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng (Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng) là 54 doanh nghiệp. Tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 620 cuộc, giảm 21,17% so với quý IV-2018, giảm 49,82% so với cùng kỳ quý I-2018.

Trước đó, đánh giá về tình hình an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam trong năm 2018, khối các đơn vị trong lĩnh vực An toàn thông tin, tấn công mạng vào Việt Nam trong năm 2018 giảm về số lượng các cuộc tấn công mạng dẫn đến sự cố.

Đầu năm 2019, Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đảm trách việc hỗ trợ giám sát và cảnh báo sớm các nguy cơ, tấn công mạng cho 24 bộ, ngành và 52 địa phương với tổng số 10.717 hệ thống thông tin, 5.699 tên miền của cơ quan, tổ chức nhà nước. Bên cạnh đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin cũng thường xuyên, liên tục giám sát tình hình an toàn thông tin trên không gian mạng và hạ tầng Internet công cộng.

Trước đó, Cục An toàn thông tin cũng đã đưa ra các dự báo các xu hướng chính về an toàn, an ninh mạng trong năm 2019 trên không gian mạng Việt Nam bao gồm: Tấn công mạng, đặc biệt là tấn công lây nhiễm mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI); tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng... với mục tiêu đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng; tấn công vào hạ tầng, thiết bị IoT, đô thị thông minh; đồng thời lợi dụng các hạ tầng, thiết bị này để thực hiện tấn công mạng; tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức nhà nước nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu; giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bôi nhọ, nói xấu và phát tán thông tin độc hại trên mạng

Đăng nhận xét

 
Top