Trong những năm qua, khi Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội, thì các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, những kẻ tự xưng là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam” lại đưa lên các trang mạng, blog hoặc dưới dạng “thư ngỏ” hàng ngàn tin, bài có nội dung quan điểm sai trái, độc hại, tiến hành các hoạt động xuyên tạc, chống phá; chúng cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng chẳng qua là cuộc “đấu đá” nội bộ, nhóm lợi ích mới cướp (lại) nhóm lợi ích cũ… nhằm kích động tâm lý bất mãn của người dân trước thực trạng xã hội còn có những vấn đề chưa được giải quyết, nhằm hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng kêu gào phải sao chép mô hình dân chủ phương Tây, gieo rắc các quan niệm mơ hồ, lệch lạc như: “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không biên giới”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia”…

Chúng xác định phải xâm nhập vào được tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thì sẽ có kết quả to lớn. Trong cuốn sách “Chiến thắng không cần chiến tranh” của cựu Tổng thống Mỹ R.Nixon đã khẳng định: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng. Cái sẽ có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng, chứ không phải là vũ khí”.
Những giọng điệu mê sảng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài thiếu thiện chí và đám “dân chủ Việt” trong nước vẫn thường cho rằng: “Việt Nam không có tự do ngôn luận”, “Việt Nam vi phạm nhân quyền”. Chúng cổ xúy cho những phần tử bất mãn, những kẻ vi phạm pháp luật thông qua quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, chúng kích động mỗi người dân có quyền bày tỏ chứng kiến của mình không giới hạn và liên kết với những người khác hình thành các tổ chức đối lập thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Nhất là cứ sau mỗi lần các cơ quan chức năng bắt giữ, truy tố, xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật là gần như ngay lập tức chúng tuyên bố “Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền”. Chúng thông tin một chiều về các vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí,… lấy hiện tượng quy thành bản chất, rồi thổi phồng thành những “sai lầm cố hữu” nhằm gây tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý người dân. Không những thế, chúng còn tuyên truyền, lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn dưới danh nghĩa các “nhà dân chủ” để tập hợp lực lượng, hòng dựng “ngọn cờ”, lập các tổ chức chống đối thông qua các trang mạng, blog cá nhân; lợi dụng phản biện xã hội để chống Đảng, chế độ, phủ nhận thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Để thực hiện mưu đồ trên, các tổ chức, cá nhân tự xưng “nhà dân chủ” viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về quyền con người, nhất là quyền tự do ngôn luận, nhưng họ lại viện dẫn không đầy đủ, mang tính cắt xén, làm sai lệch bản chất của vấn đề, họ cố tình tảng lờ đi những điều khoản, quy định khác về nghĩa vụ kèm theo khi thực hiện các quyền đó. Ví dụ: trong phiên phúc thẩm Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, các luật sư viện dẫn Điều 25 Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013): “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”, nhưng luật sư lại cố tình quên và không đọc hết vế còn lại của điều luật quy định là: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tức là những quyền đó phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật.
Thực tiễn trên thế giới không quốc gia nào có quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội tuyệt đối, quyền này thường bị hạn chế bởi các quy định rất chặt chẽ của pháp luật. Tại Khoản 2, Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”. Tại khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nhấn mạnh: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Trên tinh thần cơ bản của công ước quốc tế, Việt Nam công nhận và đảm bảo việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, mọi công dân đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình, song quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác, không làm tổn hại đến lợi ích của tập thể, của quốc gia, dân tộc. Những hành vi lợi dụng các quyền này mà vi phạm pháp luật thì không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều không thể chấp nhận.
Chính vì nghĩa đó nên đạo luật chống phản loạn của Mỹ quy định: “Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến… mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội”. Bên cạnh đó, Điều 2358 Chương 115 Bộ luật Hình sự Mỹ nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”. Còn Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức Điều 18 ghi rõ: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”. Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Công quyền (Pháp) quy định tại Điều XI: “Việc tự do thông đạt ý kiến và tư tưởng là một quyền hạn trong các quyền hạn rất quý của người ta. Vậy phàm công dân nào cũng có thể được tự do ngôn luận, tự do trước tác, tự do ấn loát, trừ ra khi lạm dụng quyền tự do ấy thì phải chịu trách nhiệm theo như pháp luật đã định”.
Cũng giống như các nước khác trên thế giới, Việt Nam cũng đề ra những quy định pháp luật để hạn chế và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, tiêu biểu như: Điều 79, 88, 258 Bộ luật Hình sự; Điều 6, 10, 28 Luật Báo chí; Điều 9, Nghị định 55/2001/NĐ-CP của Chính phủ “Về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet”... Việc trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng có những hình thức xử lý đối với các cá nhân như: Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Hữu Quốc Duy, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… về hành vi cố tình lợi dụng quyền tự do cá nhân nhằm xâm hại đến lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, cơ quan, Nhà nước đã cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ phải nói về vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Tự do ngôn luận không phải là tự do xuyên tạc, bóp méo sự thật, là tự do mạo danh người khác trên mạng xã hội. Tự do ngôn luận cũng không có nghĩa là tự do bôi xấu, đưa hình ảnh dung tục, khiêu dâm, kích động bạo lực, kích động chiến tranh, kích động chia rẽ mối hận thù dân tộc. Chúng ta không cấm phát ngôn chính kiến trên google, facebook mà chỉ yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức”.
Vì vậy, việc đấu tranh phản bác việc lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, nhất là tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ thường xuyên tất yếu của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện được điều đó, cần nhận rõ các dạng quan điểm sai trái, những luận điệu thù địch để có những đối sách phù hợp. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và toàn dân bằng cách tuyên truyền, tổ chức, giáo dục giác ngộ, nâng cao nhận thức của người dân trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch; đảm bảo cho họ phân biệt được đúng, sai; sàng lọc, tiếp nhận thông tin có lợi cho quốc gia, dân tộc, không tin, không cổ xúy, lan truyền những thông tin xấu, có hại cho Đảng, cho đất nước. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thông tin chính thống, định hướng dư luận hướng tới sự thống nhất tư tưởng và thống nhất hành động trong toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - một thứ giặc nội xâm nguy hại để giữ vững niềm tin của nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN.
Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sẽ thực hiện thắng lợi chủ trương chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch.



Đăng nhận xét

 
Top