Báo chí luôn là lĩnh vực có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đời sống kinh tế - xã hội. Đạo đức người làm báo và những vấn đề liên quan luôn được dư luận xã hội quan tâm, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như ngày nay.
Không quan tâm sao được khi trong kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện, không thể phủ nhận vai trò, tác động của mạng xã hội (như Facebook, Twitter, YouTube…) đối với đời sống báo chí. Với các lợi thế như thông tin nhanh, đa dạng, cập nhật, lan tỏa và tương tác lớn, Internet và mạng xã hội là một kênh thông tin tham khảo hữu ích song cũng là thách thức với các nhà báo, nhất là những vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tận dụng những lợi thế đó, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng Internet, mạng xã hội như một công cụ để tăng sự tương tác với độc giả, trở thành một kênh quảng bá cho “thương hiệu” của tờ báo. Thế nhưng, thời gian qua cũng xảy ra không ít tiêu cực khi một số nhà báo, hoặc mang danh nhà báo, lợi dụng mạng xã hội để trục lợi cá nhân, gây mất lòng tin trong dư luận, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của nghề báo.
Thậm chí vì những lý do khác nhau mà gần đây có một bộ phận nhà báo đang chạy theo cơ chế thị trường, suy thoái về đạo đức, chạy theo những cám dỗ vật chất, đồng tiền lem luốc, vì sự lôi kéo của những kẻ xấu đã thiếu trách nhiệm xã hội và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chạy theo thị trường, chạy theo đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, đạo đức; thậm chí còn lợi dụng báo chí để mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm, lợi dụng báo chí vào hoạt động chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích dân tộc. Chính những con sâu này đã làm rầu nồi canh, làm ảnh hưởng tới thanh danh những người làm báo chân chính.
Không dừng lại ở đó, môi trường mạng xã hội tồn tại vô vàn thông tin không được kiểm soát, thậm chí tin giả, tin sai sự thật… nhưng vẫn được nhiều người chia sẻ, bình luận, trong đó có cả một số nhà báo. Xuất hiện tình trạng một số cơ quan báo chí đi vào khai thác quá sâu, quá đậm, quá nhiều các vấn đề tiêu cực, phức tạp, một số vụ trọng án mà quên đi việc phản ánh, biểu dương các gương người tốt, việc tốt. Một số phóng viên báo chí suy thoái tư tưởng chính trị, lợi dụng ngòi bút để kiếm tiền trục lợi phi pháp hoặc thậm chí là tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam. Những thông tin như vậy đã gây tác động tiêu cực đối với xã hội. Câu hỏi được đặt ra ở đây là chuẩn mực, đạo đức, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của nhà báo ở đâu khi tham gia mạng xã hội?
Có thể khẳng định, ngót nghét gần một thế kỷ từ khi được Hồ Chủ tịch sáng lập, rèn luyện, những người làm báo Việt Nam luôn đồng hành với vận mệnh của dân tộc. Thời chiến, họ là những chiến sỹ trên mặt trận thông tin. Thời bình, bằng chức năng và nhiệm vụ của mình, họ góp phần phấn đấu cho một xã hội công bằng và phồn vinh.
Để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Những nhà báo chân chính có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp luôn là người bảo vệ công lý và lẽ phải, không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, định hướng đi tới những giá trị sống tích cực, cao đẹp...
Hơn ai hết, mỗi nhà báo cần hết sức tỉnh táo, phân biệt đâu là thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin không chính xác để có cách ứng xử thích hợp: Không chia sẻ, lan truyền thông tin sai sự thật, gây bức xúc dư luận; cổ vũ những thông tin chính xác, có lợi cho xã hội.
Thiết nghĩ, mỗi người làm báo cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức nghiêm túc về trách nhiệm xã hội của mình, để trở thành một nhà báo vừa có trình độ chuyên môn, vừa có đạo đức nghề nghiệp, tiên phong có mặt ở những tuyến đầu, "điểm nóng", thực hiện trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân về thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, chính trị, tư tưởng.
B.L
Đăng nhận xét