Trong bài viết này, chúng tôi có mượn một đoạn trong bài viết "Viết cho một thế hệ không biết cúi đầu" của VNW:
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần!
Có thể có nhiều bạn trẻ bây giờ không biết đến ông ấy, thậm chí cái tên Lê Đức Anh đối với các bạn ấy chẳng để lại chút ấn tượng nào, và có lẽ các bạn ấy sẽ chẳng bao giờ "nghe được" cái tên Lê Đức Anh nếu không biết rằng sự ra đi của ông ấy sẽ được ghi nhận với nghi thức Quốc tang!
Có lẽ là vô tình mà Quốc tang nhiều khả năng sẽ trùng vào ngày chiếu một bộ phim được đón chờ nhất năm 2019 của Marvel - nếu tôi nhớ không nhầm thì nó có tên là Hồi kết! Thật trùng hợp, một lễ Quốc tang là "Hồi kết" của một danh tướng gắn với chiến thắng vĩ đại thống nhất đất nước, và một bộ phim là "Hồi kết" cho rất nhiều bộ phim khác! Nhưng hai cái hồi kết ấy lại tạo ra một cuộc tranh luận không hồi kết làm tổn thương sâu sắc đến đạo lý của dân tộc - Phim hay Quốc tang???
Có một bạn comment thế này: "Người sống không lo lo chuyện người chết ) quốc tang quốc tiếc gì trời. Dù không liên quan đến ngày phim ra rạp thì cái chuyện này cũng vô lý, tại sao mình phải mất một ngày chỉ vì một người không liên quan đến mình. Bỏ qua sự kiện 30/4, sau đó tới hiện tại thì cuộc sống của mình và bác này liên quan gì đến nhau?"
Nên cười hay nên khóc nhỉ? Tôi cũng không biết nên thế nào nữa!!! Các bạn ấy đang cúi đầu trước một thú vui nhưng lại không thể ngẩng đầu để nhìn lên anh linh bậc cha chú!
Tôi không nghĩ rằng Đại tướng Lê Đức Anh dành cả đời cống hiến, vào sinh ra tử chỉ nhằm tranh "một suất chiếu" với một bộ phim khác khi nhắm mắt xuôi tay, chắc chắn rằng cuộc đời ông, cuộc chiến ông đã từng tham gia còn vĩ đại và ly kỳ hơn "cuộc chiến vô cực" kia gấp ngàn lần, và tôi tin rằng ông cũng không tơ tưởng gì đến danh vọng, tiếng tăm sau khi từ giã nhân thế bằng một lễ Quốc tang, tôi cũng chắc chắn rằng, lớp người ra đi năm ấy không ai nghĩ rằng họ sẽ chiến đấu chỉ để sau này, mỗi tháng họ được nhận vài ba trăm nghìn tiền trợ cấp và vài cái giấy khen ố vàng, thậm chí, có những thương binh, liệt sĩ, đến nay cũng chẳng có trợ cấp và ghi công gì, nhưng trên hết họ chiến đấu vì đất nước, vì gia đình và vì dân tộc, chỉ vậy thôi.
Và bây giờ, hết chiến tranh rồi!
Thời đại mới rồi, lớp người đi trước dần dần bị quên lãng theo thời gian, giờ đây, họ là những ông già, bà lão – có thể còn lành lặn, có thể mất vài bộ phận cơ thể, có thể hơi chậm mạch, những người mà chỉ khi đến những ngày kỷ niệm như 27/7,22/12, 30/4 thì chúng ta lại thấy họ đóng bộ quân phục cũ mèm, bạc phếch, đeo đầy huy chương, huy hiệu lọc cọc đạp những chiếc xe đạp thành đoàn, đến trụ sở ở thôn, ở xã, hát những bài ca mà thời trẻ họ đã từng hát, kể về những điều mà chúng ta ngay cả giàu trí tưởng tượng cũng không thể khái quát nổi trong trí não bởi cái thời đó chúng ta chưa từng đến gần nó chứ đừng bảo rằng cảm nhận được!
Và rồi, chúng ta nhìn họ bằng những cái nhìn ái ngại kèm chút khinh thường và thương hại ư?
Đời quả thật bạc, người xưa có câu: “Thỏ khôn chết chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết”. Quả không sai. Tôi đã từng chứng kiến chuyện này thế trên xe bus, 1 nhóm các cựu chiến binh, họ từ Thanh Hóa ra Hà Nội, đi từ bến Yên Nghĩa, xuống đâu, đi đâu và làm gì thì tôi không rõ, chỉ biết rằng, đặc trưng của người miền Biển Thanh Hóa là ăn to , nói lớn, cười rất hào sảng, và họ mặc trên mình bộ quân phục cũ cũ,… Tôi thấy trong ánh mắt của các bạn trẻ đi cùng chuyến xe bus hôm ấy là sự khinh thường, thậm chí là khinh ra mặt. Và thế hệ này, còn bao nhiêu người thực sự biết ơn cha ông họ…
Tôi viết ra những dòng này, không phải là lên mặt dạy đời ai cả, mà chỉ muốn, những người ở thế hệ tôi, những người trẻ như tôi, sống chậm lại, chiêm nghiệm 1 chút, có thể, khi đi qua những tượng đài hoặc nghĩa trang, dành 1 chút biết ơn trong lòng mình cho những người đang nằm ở đó là được.
Bạn nói bạn không biết gì về tướng Anh ư? Hãy đọc lại hồi ký của ông ấy - cuốn "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng", để biết trong những năm tháng sục sôi nhất của đất nước đã có 1 vị tướng dẫn đầu 1 cánh quân đánh thẳng vào dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, tạo nên chiến thắng vĩ đại thống nhất non sông, chấm dứt nỗi đau chia cắt, để biết rằng trong những năm tháng gian truân nhất của đất nước khi cả dân tộc cùng gồng mình chống chọi lại bầy hùm sói lăm le quanh biên giới vẫn có một lão tướng hiên ngang với quyết tâm không để mất một tấc đất, tấc biển của cha ông, để biết rằng có một vị tướng dám nghĩ, dám làm đã cùng với những đồng chí của mình vực dậy đất nước từ cơn khủng hoảng, để biết rằng khi vị tướng ấy đã về với thú vui vườn tược thì vẫn đau đáu những nỗi niềm non sông! Chúng ta tìm đâu ra được một con người đẹp đẽ đến thế? Sự ra đi của ông ấy sẽ thật nhẹ nhàng nếu mỗi bạn trẻ có thể thông hiểu và biết tìm hiểu, hãy dùng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc để nhìn về một lão tướng - người cuối cùng còn sống trong Bộ tư lệnh giải phóng Sài Gòn năm xưa! Ông ấy có thể không là người thân của các bạn, nhưng ông ấy đã từng dùng tính mạng của mình để bao bọc các bạn như những người thân!
Lịch sử và chiến tranh đâu quá khó để tìm hiểu như các bạn nghĩ, lịch sử và chiến tranh, ở ngay xung quanh các bạn, có thể là những cựu chiến binh, có thể là những nghĩa trang hay tượng đài, và cũng có thể là những kỷ vật, mọi thứ đều là lịch sử và mọi thứ đều đáng được biết ơn và trân trọng!
Đừng để như thế hệ trẻ Ukraine!!
https://www.facebook.com/minh.nguyenduc.1401/posts/1512381562231201

Đăng nhận xét

 
Top