''Nhân quyền không biên giới'', "Nhân quyền cao hơn chủ quyền'', , ''Chủ quyền hạn chế'', ''Can thiệp nhân đạo''... Là những thuật ngữ mà các thế lực thù địch Phương Tây sử dụng như một chiêu bài để tiến hành chống Đảng, Nhà nước ta. Trong quan điểm của  Đảng và Nhà nước ta kịch liệt phản đối các quan điểm đó.

       Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt nam, ở nước ta những thành tựu đạt được trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền là rất to lớn và hết sức cơ bản. Điều này xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, như Đảng ta đã khẳng định “Dân chủ là quy luật hình thành, phát triển, và tự hoàn thiện của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa; nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới xã hội ta”. Quá trình nhận thức, phát triển đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng ta về vấn đề quyền con người luôn được bổ sung và ngày càng hoàn thiện. Những quan điểm của Đảng ta về vấn đề dân chủ nhân quyền thể hiện xuyên suốt trong đường lối của Đảng qua các thời kỳ phát triển của đất nước.
              Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và chủ quyền quốc gia.

       Là một dân tộc phải trải qua cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ để giành quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của cả cộng đồng cũng như từng cá nhân. Đo đó, đối với dân tộc ta độc lập dân tộc là quyền lớn nhất, một đòi hỏi thiêng liêng. Đối với chủ tịch Hồ Chí Minh độc lập dân tộc với tự do, hạnh phúc của nhân dân hòa quyện làm một, Người đã từng nói “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” có thể nói cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tôn trọng bảo vệ quyền độc lập tự do của một dân tộc với các quyền cơ bản thiêng liêng của con người. Trong đó, quyền độc lập tự do của cộng đồng dân tộc là nền tảng đảm bảo thực hiện quyền con người và ngược lại quyền tự do của mỗi người là cái làm nên nội dung và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc: “Ngày nay chúng ta nên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.Ở nước ta hiện nay, thực tế giải quyết vấn đề quyền con người thông qua quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, quyền con người chỉ có được khi độc lập dân tộc. Đảng và Nhà nước ta bác bỏ các quan điểm cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, đối với nước ta nhân quyền và chủ quyền hoàn toàn thống nhất với nhau. Đảng ta chỉ rõ “chỉ dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được bảo đảm rộng rãi, đầy đủ và trọn vẹn nhất”. Quan điểm nhân quyền thống nhất với chủ quyền đã trở thành nguyên tắc, con đường đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong việc nhận thức và thực hiện quyền con người hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

        Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, để giải quyết mối quan hệ giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia, Đảng và Nhà nước ta một mặt coi trọng chủ trương hội nhập quốc tế, xu thế toàn cầu hóa, coi đó là phương hướng cơ bản và lâu dài cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra các tiền đề vật chất để bảo đảm các quyền cơ bản. Mặt khác, sự hội nhập quốc tế không thể buông lỏng chủ quyền quốc gia. Có thể nói trong thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế Đảng và Nhà nước ta đã có những nhận thức đúng đắn về vấn đề chủ quyền và nhân quyền trong bối cảnh giao lưu hội nhập quốc tế vừa hợp tác vừa đấu tranh hiện nay. Kinh nghiệm thực tế cũng chỉ ra rằng, nhu cầu và quyền con người không thể vượt lên trên, chà đạp lên lợi ích của cộng đồng dân tộc, tách khỏi cộng đồng dân tộc, chủ quyền dân tộc thì các quyền con người không thể được thực hiện một cách đầy đủ.

Quyền con người gắn chặt với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và truyền thống dân tộc.

       Trước đây, do có sai lầm trong nhận thức do mong muốn nhanh chóng hoàn thành xây dựng chủ nghĩa xã hội cho nên chúng ta “tập thể hóa”, quá nhận mạnh đến tính tập thể, do đó lợi ích của cá nhân bị xem nhẹ. Công cuộc đổi mới đã đem lại cho Đảng ta một cách nhìn nhận mới đó là gắn việc thực hiện và đảm bảo quyền con người với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Đây là kết quả của sự khái quát thực tiễn, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lenin về quyền con người, đó là : “việc thực hiện quyền tự do của con người tùy thuộc ở lực lượng sản xuất và trong phạm vi cho phép của lực lượng sản xuất , chứ không phải là phụ thuộc vào điều mà người ta mong muốn.”

       Như vậy, việc đổi mới nhận thức về quyền con người, gắn nó với trình độ phát triển kinh tế xã hội là quan điểm đúng đắn của Đảng ta, phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử. Như chúng ta đã biết , sự phát triển và thực tiễn quyền con người phải tuân theo điều kiện khách quan của nó, các quyền con người không thể thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện trong điều kiện kinh tế- xã hội, văn hóa gặp nhiều khó khăn. Từ quan điểm đúng đắn và khoa học này sẽ đảm bảo cho việc đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm giải quyết tốt các quyền con người trong đời sống hiện thực, tranh được chủ quan duy ý chí trong xây dựng chính sách, pháp luật, vừa tránh được những lạc hậu của chính sách, pháp luật so với điều kiện kinh tế xã hội, bảo đảm hiện thực hóa việc thực hiện quyền con người ở nước ta, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt nam, với xu thế phát triển chung của thế giới. Đồng chí Lê Khả Phiêu – Nguyên Tổng bí thư của Đảng đã chỉ rõ: “Chúng ra tiếp nhận có chọn lọc những giá trị chung của nhân loại trên cơ sở điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, ngăn ngừa những kẻ xấu lợi dụng nhân quyền, dân chủ để can thiệp vào công việc nội bộ, vào chủ quyền quốc gia.”

        Mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa riêng, mang nét đặc trưng của từng dân tộc. Đó là cội nguồn sức mạnh trong quá trình phát triển và cũng là yếu tố sống còn của các quốc gia, dân tộc. Do đó, việc phát huy văn hóa truyền thống, những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc mở cửa, hội nhập kinh tế xây dựng đất nước hiện nay luôn là vấn đề quan trọng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm: “phát triển tách khỏi cội nguồn dân tộc thì sẽ nhật định lâm vào nguy cơ tha hóa. Đi vào kinh tế thị trường, hiện đại hóa đất nước mà tách khỏi những giá trị truyền thống sẽ làm mất bản sắc văn hóa dân tộc, đánh mất mình trở thành cái bóng mờ của người khác, của dân tộc khác.”

      Như vậy, chúng ta khẳng định rõ ràng, luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là một luận thuyết hoàn toàn sai lầm về mặt khoa học, lại chứa đựng những ý đồ chính trị xấu xa, biện minh cho chính sách xâm lược của các thế lực hiếu chiến, phản động quốc tế. Vì vậy, luận thuyết đó không thể đứng vững trước sự đấu tranh có lý, có tình, phù hợp với luật pháp quốc tế của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền” tất yếu sẽ bị lịch sử và hiện thực bỏ qua.
DT

Đăng nhận xét

 
Top