Lười học tập lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Chính vì vậy, hiểu rõ “căn bệnh” nguy hiểm này, cùng những hệ lụy của nó để đề ra giải pháp khắc phục là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên phải coi trọng việc học tập và xác định đó là một nhiệm vụ quan trọng. Người chỉ rõ: “Học tập là công việc suốt cuộc đời” và phải học toàn diện; trong đó, học tập lý luận chính trị một cách hăng say, bền bỉ, để nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, để đi đúng đường lối nhân dân, để làm người, làm việc, làm cán bộ. Thực hiện lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, đảng viên đã tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành những người con ưu tú của Đảng, của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, tổng kết quá trình cách mạng, nhất là sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị; trong đó, “lười học tập lý luận chính trị” là một biểu hiện, “một bệnh” rất nguy hiểm, đang tồn tại hiện hữu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Bệnh này nghe có vẻ chung chung, trừu tượng, nhưng lại được biểu hiện khá rõ ở nhiều khía cạnh. Về nhận thức, một số cán bộ, đảng viên cho rằng, trong thời đại thông tin bùng nổ, kinh tế thị trường, việc học tập lý luận là “phù phiếm”, “nhồi sọ”, gây lãng phí thời gian, v.v. Họ biện minh rằng, “nhiều người có học qua trường, lớp lý luận nào đâu mà vẫn làm kinh tế giỏi, vẫn tham gia hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện tích cực...”; rằng, “lý luận chính trị là thứ lý thuyết suông, phải học thực tế”. Hoặc cho rằng, việc học tập lý luận chính trị chỉ dành cho những nhà nghiên cứu và cán bộ làm công tác chính trị. Biểu hiện này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, chỉ ra từ rất sớm: “Có những cán bộ, những đảng viên cũ làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận”1. Họ quên rằng, nếu họ có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc sẽ tốt hơn rất nhiều. Về hành vi, một số cán bộ, đảng viên không chú tâm đến việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Có hàng trăm lý do, nào là viện cớ “bận đi công tác” để trốn tránh việc học tập, nếu có tham gia thì “hờ hững”, “đánh trống ghi tên”, học cho xong, “không tập trung suy nghĩ, trăn trở những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra”, v.v. Hành vi khá phổ biến khác của “lười học tập lý luận chính trị” là không chịu thường xuyên nghiên cứu, tự học tập nâng cao trình độ hiểu biết; không vận dụng lý luận chính trị đã học vào quá trình công tác, v.v.
Bệnh “lười học tập lý luận chính trị” gây hệ lụy rất lớn đến sự tu dưỡng, rèn luyện và kết quả công tác của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: do kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại. Thực vậy, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, bệnh “lười học tập lý luận chính trị” sẽ làm cho đồng chí đó “không có cơ sở nhận thức khoa học” để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, niềm tin chính trị vào lý tưởng cách mạng. Chí ít thì bệnh này cũng dễ làm cho họ không biết cách xem xét, cân nhắc đúng - sai, xử trí cho khéo trong công việc; không biết rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, mà cứ nghĩ thế nào làm thế ấy, thiếu sự chỉ dẫn của lý luận khoa học và trở nên mù quáng, dẫn đến chủ quan, duy ý chí, thậm chí “mắc vào bệnh đó là hỏng việc”, v.v. Và kết quả thường là thất bại. Bên cạnh đó, bệnh “lười học tập lý luận chính trị” còn có thể làm cho cán bộ, đảng viên mắc phải bệnh hẹp hòi, bản vị, cá nhân chủ nghĩa, nặng hơn là thiếu kiên định về chính trị, mơ hồ, mất cảnh giác, a dua, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; cũng có thể rất dễ dẫn đến thay đổi lập trường, quan điểm, đi ngược lại chính những gì đã lựa chọn. Thực chất là từ bỏ lập trường giai cấp công nhân, mục tiêu lý tưởng của Đảng, nhân dân, từ bỏ lý luận cách mạng khoa học là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Như vậy, bệnh lười học tập lý luận chính trị đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là một thực tế và để lại hệ lụy khôn lường đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng và Đảng ta nói chung. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang tập trung mũi nhọn để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; lợi dụng những yếu kém trong công tác giáo dục lý luận chính trị, kích động, dụ dỗ, lôi kéo, cổ súy cho những hành vi, thói quen lười học tập, hòng phục vụ cho mục đích không trong sáng. Chính vì vậy, đấu tranh, phê phán, khắc phục biểu hiện lười học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên thực chất là góp phần đấu tranh làm thất bại thủ đoạn, hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch. Do đó, hơn bao giờ hết, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ căn “bệnh” này. Để thực hiện được, đòi hỏi phải tác động đồng bộ đến công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng, mà điều quan trọng cốt yếu là tác động đến nhận thức, động cơ, trách nhiệm, hành vi của từng cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng, toàn quân và cả hệ thống chính trị.
Trước hết, chúng ta cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Một trong những căn nguyên chủ yếu nhất dẫn đến bệnh “lười học tập lý luận chính trị” là do bản thân cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của lý luận nói chung, lý luận chính trị nói riêng trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của học tập lý luận chính trị, kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, một trong những biện pháp rất quan trọng là phải đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thấy rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để cách nhìn nhận học lý luận chính trị không vì mục đích tự hoàn thiện mình, mà vì lý do thăng tiến, lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị cần xem kết quả học tập lý luận chính trị hằng năm là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, cũng như để đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên và tổ chức đảng, v.v.
Cùng với đó, để khắc phục “bệnh lười học tập lý luận chính trị” của cán bộ, đảng viên, chúng ta cần đổi mới toàn diện công tác giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Đây là giải pháp quan trọng, có tác động trực tiếp đến các chủ thể của công tác giáo dục lý luận, chính trị, đó là “dạy và học”. Những năm gần đây, chương trình, nội dung cũng như các giáo trình, tài liệu giáo dục lý luận chính trị của Đảng đã có nhiều đổi mới, song vẫn còn nặng về lý luận chung và những kiến thức tổng quát, mang tầm vĩ mô. Trong khi đó, những kiến thức về các chủ trương mới, cách làm hay, sáng tạo ở các địa phương, các cơ quan, ngành nghề cụ thể, nhất là các kỹ năng giải quyết công việc thực tế của cán bộ, kỹ năng xử lý tình huống chính trị,… thường chiếm dung lượng nhỏ, nội dung còn sơ sài, thậm chí cách giải quyết vấn đề còn giáo điều, thiếu tính thực tiễn, v.v. Để giải quyết vấn đề đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng, các học viện, nhà trường, đội ngũ giáo viên, báo cáo viên cần chú trọng nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung sao cho thiết thực và nhất thiết phải gắn với thực tiễn sinh động. Theo đó, lý luận chính trị phải góp phần giải quyết, lý giải những vấn đề mới, hóc búa từ thực tiễn đặt ra cả ở tầm vĩ mô và vi mô, kể cả việc vận dụng trong giải quyết những công việc cụ thể. Có như vậy, việc học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên mới có ý nghĩa thực sự và tránh được tình trạng “Dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”, hoặc “lý luận suông”. Nghĩa là, phải đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị theo hướng: lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của cán bộ, đảng viên. Cùng với đổi mới nội dung, chương trình, cần thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị, theo hướng kích thích tính hứng thú cho người học. Bởi lẽ, mục đích của việc học tập lý luận chính trị là để thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,… để đưa vào cuộc sống xã hội. Do đó, đổi mới hình thức, phương pháp có tác động trực tiếp đến động cơ, thái độ học tập của cán bộ, đảng viên, tạo cho họ lòng say mê, thường xuyên tự học tập, tự tu dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Đi liền với đó, cần coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ giáo dục, tuyên truyền các cấp cũng như đội ngũ giảng viên, giáo viên làm công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống học viện, nhà trường cả về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn. Đây cũng là vấn đề rất quan trọng, góp phần thiết thực trong khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Bởi lẽ, khi thuyết trình về vai trò tiên phong, miệng nói tay làm của cán bộ, đảng viên mà bản thân người đi tuyên truyền lại chưa là tấm gương sáng, thiếu niềm tin, hoặc nói một đằng làm một nẻo, thậm chí sa vào tham nhũng, đục khoét của dân thì không ai tin cả. Hơn nữa, một trong những quan niệm khá phổ biến hiện nay trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là học tập lý luận chính trị thường “khó, khô”. Do vậy, đội ngũ giảng viên, giáo viên, báo cáo viên phải thường xuyên trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện, thực sự mẫu mực, tiêu biểu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, có trình độ kiến thức lý luận chính trị sâu sắc, kiến thức thực tiễn sâu rộng, phong phú, năng lực sư phạm tốt, phương pháp truyền đạt hấp dẫn để cuốn hút người học, góp phần khắc phục bệnh lười học của cán bộ, đảng viên.
Hơn lúc nào hết, việc tích cực học tập lý luận chính trị, nâng cao trình độ là thể hiện trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, có tâm, tầm, trí tuệ, đạo đức để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới./.

Đăng nhận xét

 
Top