Đình công là quyền cơ bản của người lao động, là hiện tượng diễn ra để đòi quyền lợi tập thể người lao động. Trong thực tế ở Việt Nam có rất nhiều cuộc đình công của tập thể người lao động xảy ra để đòi quyền lợi từ phía người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nhiều trong số đó thực hiện đình công một cách vô nguyên tắc, dẫn đến bản chất cuộc đình công thay đổi, tồi tệ hơn là xảy ra những hậu quả pháp lý không đáng có. Sau đây xin thông tin tới bạn đọc những trường hợp đình công bất hợp pháp và hậu quả pháp lý.
1. Các trường hợp đình công bất hợp pháp:
Việc quy định về đình công bất hợp pháp được nhiều quốc gia quan tâm nhằm tạo căn cứ pháp lý rõ ràng cho việc xem xét quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công. Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (năm 2006), các cuộc đình công bị xác định là bất hợp pháp nếu vi phạm một trong các quy định tại Điều 173 Bộ luật Lao động (đã sửa đổi, bổ sung).
Tại Điều 215 Bộ luật Lao động 2012, căn cứ xác định cuộc đình công bất hợp pháp được giảm bớt số lượng quy định nhưng mở rộng nội hàm. Theo đó, các cuộc đình công bị xác định bất hợp pháp khi có một trong các dấu hiệu sau đây:
– Cuộc đình công đó không xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Trước đây Bộ luật Lao động quy định là không xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể nói chung chứ không thu hẹp lại như hiện nay, tức là chỉ công nhận đình công hợp pháp nếu gắn với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích mà không phải là tranh chấp lao động tập thể về quyền. Cũng theo quy định nêu trên, các cuộc đình công xuất phát từ tranh chấp lao động cá nhân không được thừa nhận.
– Cuộc đình công đó được tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động. Pháp luật chỉ công nhận đình công hợp pháp khi nó phục vụ cho những người lao động cùng làm việc cho một người sử dụng lao động. Có thể ở những phạm vi và quy mô khác nhau nhưng dứt khoát phải cùng một chủ sử dụng lao động. Việc tham gia đình công của những người lao động khác vào cuộc đình công là vi phạm điều kiện nêu trên.
– Cuộc đình công được tiến hành khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể (về lợi ích) chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Nói cách khác, Bộ luật chỉ cho phép đình công khi đã-sử dụng hết các phương thức giải quyết tranh chấp lao động, nếu đang hoặc chưa được giải quyết thì đình công bị tuyên bất hợp pháp.
– Cuộc đình công tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định. Vì, các doanh nghiệp đó (được cân nhắc lựa chọn) đều thuộc loại doanh nghiệp có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân.
– Cuộc đình công vẫn tiếp tục tiến hành khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công. Theo quy định này, một cuộc đình công dù có được tổ chức thực hiện hợp pháp trong doanh nghiệp không bị cấm đình công nhưng vì tiến hành vào thời điểm nhạy cảm, không thích hợp, có thể gây ảnh hưởng đối với các hoạt động kinh tế, xã hội hoặc đời sống nhân dân… nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu hoãn, ngừng lại, tức là có thể dời sang thời điểm khác.Những cuộc đình công vẫn được tổ chức và diễn ra vào thời điểm, thời gian có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công. Vì vậy, sẽ bị xác định là đình công bất hợp pháp
2. Hậu quả pháp lý của đình công bất hợp pháp
Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật. Hiện nay hầu hết, các cuộc đình công diễn ra đều là đình công bất hợp pháp, đa phần đều do bột phát mà không tuân theo trình tự, thủ tục, quy trình nhất định của pháp luật.
– Thứ nhất, khi đã có quyết định của Toà án về cuộc đình công là bất hợp pháp mà người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc, thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức công đoàn Người sử dụng lao động xác định giá trị thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp gây ra bao gồm:
+ Thiệt hại về máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm hư hỏng sau khi trừ đi giá trị thu hồi do thanh lý, tái chế (nếu có);
+ Chi phí khắc phục hậu quả do đình công bất hợp pháp gây ra gồm: Vận hành máy móc thiết bị theo yêu cầu công nghệ; sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị bị hư hỏng; tái chế nguyên nhiên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm bị hư hỏng; bảo quản nguyên, nhiên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong thời gian diễn ra đình công; vệ sinh môi trường; bồi thường khách hàng hoặc phạt vi phạm hợp đồng do đình công xảy ra. lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
– Thứ hai, đối với Người lợi dụng đình công gây mất trật tự công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì tuỳ theo mức độ vi phạm, có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Mức độ xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào Nghị định 95/2013/NĐ- CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Để giải quyết tình trạng này, ta nên thiết lập một cơ chế để các tổ chức công đoàn thực sự là người đại diện quyền lợi hợp pháp của người lao dộng; phải đủ sức mạnh để bảo vệ người lao động; đồng thời cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật tới người lao động để họ biết cách sử dụng các quyền của người lao động mà tự bảo vệ mình, cũng như biết đấu tranh một cách có tổ chức, đúng pháp luật mỗi khi lợi ích của họ bị xâm phạm. Xây dựng một quan hệ lao động lành mạnh giữa người lao động với người sử dụng lao động thông qua thương lượng tập thể, đối thoại xã hội.
Đăng nhận xét