Quan điểm của cộng đồng quốc tế về “can thiệp nhân đạo”
Xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII ở châu Âu, khái niệm “can thiệp nhân đạo” ra đời dưới dạng học thuyết, được gắn với luật tự nhiên và chủ nghĩa tự do, với những nội dung gây ra nhiều tranh cãi giữa các trường phái lý luận khác nhau. Theo quan điểm của H. Grotius1 (đại diện tiêu biểu cho các nhà lý luận tự do kinh điển châu Âu được đa số học giả ủng hộ), các quan hệ nảy sinh trong đời sống quốc tế cần được điều chỉnh trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia. Ông đã đưa ra thuật ngữ “chiến tranh chính nghĩa” và nhấn mạnh rằng chiến tranh chỉ có thể được phép nếu có lý do chính nghĩa, rõ ràng. Quan điểm của Grotius về “can thiệp nhân đạo” đã được sự ủng hộ của đa số luật gia phương Tây hiện đại và các chính khách Mỹ. Đến thế kỷ XX, học thuyết “Can thiệp nhân đạo” dần mất cơ sở thực tế trong quan hệ giữa các nước và cũng không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Theo quan điểm của các luật gia quốc tế và cố Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, “can thiệp nhân đạo” là quyền của cộng đồng quốc tế tiến hành hành động can thiệp vào một quốc gia, mà không có sự chấp thuận của quốc gia đó và của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền hàng loạt tại đó và được thực hiện dưới hình thức vũ lực hoặc không vũ lực.
Trên thực tế, dẫu dưới bất kể hình thức nào, đặc biệt là bằng vũ lực, thì “can thiệp nhân đạo” đều vi phạm hai nguyên tắc pháp lý cơ bản của luật pháp quốc tế: quyền tự vệ của quốc gia can thiệp và quyền độc lập của quốc gia là đối tượng của hành vi can thiệp. Hiến chương Liên hợp quốc, tại Khoản 4, Điều 2 đã ghi rõ: “Tất cả các quốc gia thành viên kiềm chế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc”2. Tại khóa họp lần thứ 20 (năm 1965) của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố về việc cấm một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với bất cứ lý do gì. Trong đó, điều khoản đầu tiên khẳng định: “Không một quốc gia nào có quyền can thiệp trực tiếp hay gián tiếp và vì bất kỳ lý do nào vào công việc của quốc gia khác. Vì vậy, tất cả các hành vi can thiệp vũ trang và tất cả các hành vi can thiệp khác hoặc đe dọa can thiệp chống lại cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa của quốc gia khác đều bị lên án”. Như vậy, “can thiệp nhân đạo” không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Dù vậy, những năm qua, đặc biệt là từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới vẫn chứng kiến sự tồn tại của cái gọi là “can thiệp nhân đạo” và Liên hợp quốc cũng chưa có cơ chế để giám sát, hạn chế hành vi này. Vì vậy, “can thiệp nhân đạo” đã bị Mỹ và đồng minh lợi dụng để phục vụ ý đồ riêng của họ.
“Can thiệp nhân đạo” trong chính sách đối ngoại của Mỹ và các nước phương Tây
Mặc dù luật pháp quốc tế đặt ra nguyên tắc không can thiệp vào chủ quyền quốc gia, nhưng theo Điều 39, Hiến chương Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa và cưỡng chế đối với quốc gia có hành động đe dọa hòa bình; phá hoại hòa bình hoặc có hành vi xâm lược. Tuy nhiên, bản chất của sự can thiệp có tính chất tập thể và có điều kiện, chứ không phải là sự can thiệp tùy tiện của một hoặc một nhóm quốc gia, không bao hàm yếu tố nhân quyền. Tuy nhiên, với lập luận “nhằm giải quyết mối nguy cơ diệt chủng”, “lợi ích quốc gia bị đe dọa”, “bảo vệ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế giới tự do”3, họ tự biến mình thành “sen đầm quốc tế”, lôi kéo các đồng minh sử dụng “can thiệp nhân đạo” để can thiệp thô bạo vào các quốc gia có chủ quyền, điển hình là tại Nam Tư. Theo đó, với chiêu bài bảo vệ “người Anbani bị người Serbia thanh lọc sắc tộc ở Kosovo”, năm 1999, Mỹ và NATO đã mở cuộc chiến tranh với quy mô lớn vào quốc gia này. Khi bị cộng đồng quốc tế lên án, Mỹ lập luận rằng, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, cho nên, việc vi phạm chủ quyền quốc gia của ai đó với mục đích nhân đạo hoặc “ngăn chặn tệ nạn diệt chủng” là có thể biện minh được. Sau cuộc chiến tranh này, “can thiệp nhân đạo” được chính thức đưa vào nội dung chiến lược mới của NATO và được thông qua tại dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tổ chức này. Năm 2001, sau sự kiện ngày 11-9, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh “toàn cầu chống khủng bố”, nhằm vào Apganistan, một quốc gia bị Mỹ và NATO cho là nơi chứa chấp những tên khủng bố đã gây ra sự kiện 11-9.
Tuy nhiên, “bàn tay không che được bầu trời”, mưu đồ của Mỹ đã bị dư luận quốc tế chỉ rõ. Nhìn vào bản đồ thế giới, chúng ta dễ dàng nhận thấy các quốc gia bị Mỹ áp dụng học thuyết “can thiệp nhân đạo” đều nằm trong khu vực có vị trí quan trọng về địa chính trị, kinh tế và quân sự. Nổi bật, như: Afganistan là bàn đạp để chi phối toàn bộ vùng Trung Á; Serbia là trọng tâm trong vành đai “động đất địa - chính trị” kéo từ Balkan qua Kavkaz đến Pakistan, Ấn Độ, v.v. Để biện minh cho hoạt động can thiệp, Mỹ và đồng minh cho rằng, trong trường hợp một quốc gia bị rơi vào nội chiến hoặc khi chính quyền sở tại áp bức người dân của chính nước họ thì các quốc gia khác không thể coi các nguyên tắc cơ bản của pháp lý quốc tế về tôn trọng chủ quyền và không can thiệp là bất khả xâm phạm. Với việc pháp điển hóa nhân quyền trong luật quốc tế, Mỹ đã đẩy khái niệm chủ quyền quốc gia xuống hàng thứ yếu. Theo họ, cần thiết phải giới hạn, thậm chí xâm phạm chủ quyền để đảm bảo nhân quyền.
Sự phát triển mới về “can thiệp nhân đạo”
Tháng 7-2009, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra cuộc thảo luận toàn thể về Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc dưới nhan đề: “Thực hiện trách nhiệm bảo vệ”, nhằm nỗ lực thể chế hóa khái niệm “can thiệp nhân đạo” trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực đó không được sự hưởng ứng của đa số các quốc gia thành viên, nhất là các nước đang phát triển. Các nước này cho rằng, khái niệm “can thiệp nhân đạo” không có cơ sở trong luật pháp quốc tế hiện đại và việc áp dụng nó sẽ xâm phạm chủ quyền quốc gia, tạo điều kiện cho các nước lớn áp đặt các tiêu chuẩn và giá trị của họ đối với các nước yếu hơn. Đối thoại với Đại hội đồng Liên hợp quốc về Báo cáo “Thực hiện trách nhiệm bảo vệ”, cựu Ngoại trưởng Australia Gareth Evans, một trong những người khởi xướng khái niệm này, khẳng định “can thiệp nhân đạo” đã bị chôn vùi, “trách nhiệm bảo vệ” là khái niệm hoàn toàn mới, được phát triển trên cơ sở quan điểm “can thiệp nhân đạo” và có chung mục tiêu là nhằm ứng phó với những vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo và nhân quyền quốc tế. Theo đó, “trách nhiệm bảo vệ” được xác định là hành động tập thể thông qua Liên hợp quốc, với phạm vi, điều kiện tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế. Nhưng, dù được che đậy dưới bất kỳ tên gọi nào, thì bản chất của sự can thiệp vào chủ quyền, độc lập của một quốc gia khác vì mục đích chính trị trong “can thiệp nhân đạo” là không hề thay đổi. Như thế, nó không thể biện minh cho việc phớt lờ luật pháp quốc tế, những hành động mà động cơ chính là nhằm áp đặt một trật tự thế giới có lợi cho Mỹ và phương Tây, chứ không phải là để bảo vệ nhân quyền, an ninh và hòa bình trên thế giới.
Quan điểm của Việt Nam
Là đất nước yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán muốn làm bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, hợp tác cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nhà nước Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở; chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhà nước Việt Nam kiên quyết lên án bất kỳ quốc gia, dân tộc nào can thiệp vào chủ quyền, công việc nội bộ của quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào.
Một số giải pháp phòng ngừa
Trong những năm tới, Mỹ và các nước phương Tây sẽ tiếp tục lợi dụng “can thiệp nhân đạo” để can thiệp vào chủ quyền, độc lập của quốc gia khác, nhằm áp đặt một trật tự thế giới theo ý đồ của họ, trong đó có Việt Nam. Vì thế, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với dạng thức “can thiệp nhân đạo”, cần thực hiện tốt các nội dung trọng tâm sau:
Một là: Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng để duy trì đất nước hòa bình, ổn định trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội; tăng cường nâng cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng bởi vì từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn là Đảng cầm quyền duy nhất, lãnh đạo và phục vụ lợi ích của nhân dân. Có không ít các thế lực thù địch đang tăng cường chống phá cách mạng nước ta đòi đa nguyên, đa Đảng, gây chia rẽ nội bộ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng. Do đó, cần chủ động nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Hai là: Tập trung phát triển kinh tế, xã hội xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, đẩy mạnh hợp tác kinh tế cũng như tích cực tham gia các tổ chức trong khu vực và trên thế giới. Hòa bình, hợp tác và phát triển đang là xu thế chung giữa các nước trên thế giới, đó cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định chủ quyền dân tộc, vị trí và vai trò của mình trên trường quốc tế, đồng thời là cơ sở xây dựng mối liên minh để chống lại sự can thiệp, chia rẽ của các nước khác đối với nước ta. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thành tốt vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia trên cơ sở cùng có lợi, không can thiệp vào nội bộ của nhau.
Ba là: tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo hòng tạo cớ để can thiệp.
ST
Đăng nhận xét