Từ trước tới nay, lĩnh vực văn học nghệ thuật luôn được tất cả các chính thể quan tâm, bởi đây thể hiện rõ vấn đề tinh thần, tư tưởng, là "hàn thử biểu" nhạy cảm nhất của bầu "khí hậu xã hội". 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng thì báo chí, văn học nghệ thuật là một đội quân cách mạng. Đội quân ấy đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình, đồng hành cùng dân tộc làm nên những chiến thắng lịch sử đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.
Bước sang thời kỳ đổi mới, báo chí, văn học nghệ thuật góp phần cùng toàn dân làm nên những kỳ tích. Nhưng ở ngày hôm nay thì, hoặc do buông lỏng quản lý, hoặc chưa hiểu đặc trưng, hoặc thiếu định hướng… mà chỗ này chỗ khác, một vài yếu tố của lĩnh vực này cần được hoàn thiện, chấn chỉnh kịp thời.
Quan điểm của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có thể coi như một luồng gió mới mẻ đem lại sinh khí cho cánh đồng văn học nghệ thuật thêm tươi xanh màu mỡ. Hơn các lĩnh vực khác, chúng ta càng phải chú ý đến vấn đề đấu tranh chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa".
Một là, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức trên lĩnh vực văn hóa.
Đây là cuộc đấu tranh không tiếng súng nhưng cực kỳ căng thẳng, gay gắt, âm thầm, bởi nó vô hình và diễn ra bên trong con người. Nguyên nhân của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", như Bác Hồ đã rất nhiều lần nhắc nhở ta phải cảnh giác, đó chính là "chủ nghĩa cá nhân". Mà trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, như đã nói ở trên, là lĩnh vực của cái tôi, của cá tính nên "chủ nghĩa cá nhân" rất có điều kiện nảy nở.
Và có khi "chủ nghĩa cá nhân" được ngụy trang tinh vi dưới cái vỏ bọc "cá tính sáng tạo" nên rất khó phát hiện. Đó là tình trạng chạy theo hoặc thích thú với thị hiếu tầm thường của số ít văn nghệ sỹ và một bộ phận công chúng, nên có những nghệ sỹ bỏ qua đặc trưng của văn học nghệ thuật là cái đẹp mà đi vào mô tả những gì gần với bản năng. Đó là "sáng tác" kiểu "ăn xổi" chạy theo số lượng, chiều theo những  tâm lý xã hội nhất thời, viết để bán sách, viết để có tên tuổi… Đó là sự a dua, nói theo những ý kiến trái chiều, nói ngược với những quan điểm chính thống, để được chú ý. Đó là sự thiếu trách nhiệm của những người có trách nhiệm trước những biểu hiện tiêu cực…
Lại có nơi sự biến tướng của chủ nghĩa cá nhân thành chủ nghĩa lợi ích cục bộ. Mà biểu hiện là có một vài tòa soạn báo chạy theo lợi nhuận mà cho đăng quảng cáo tràn lan, cho đăng tin bài thất thiệt vì một quyền lợi của một nhóm người nào đó… Lại cá biệt có nơi trao giải thưởng không căn cứ vào chất lượng tác phẩm mà dựa vào sự quen biết, thân tình cá nhân… Đến nỗi có cái trao giải bị dư luận chê bai, coi thường…
Một trong những biện pháp khắc phục tình trạng này là tăng cường bồi dưỡng, giáo dục ý thức tư tưởng chính trị thường xuyên, liên tục cho mọi văn nghệ sĩ. Phải thẳng thắn thừa nhận đang có tình trạng buông lỏng vấn đề này.
Một minh chứng dễ thấy ở các trường, các đơn vị nghệ thuật, các buổi học Nghị quyết, các đợt sinh hoạt chính trị,… chỉ là hình thức. Họ quan niệm phiến diện, cực đoan cho rằng chuyên môn nghiệp vụ mới là quyết định mà quên một điều rằng làm nên một nhân cách nghệ sĩ đích thực thì phải có kết hợp của ý thức chính trị và tài năng nghiệp vụ. 
Có ý thức chính trị cao mới tạo tiền đề cho tình yêu, cho tâm huyết - vốn được coi là những điều sống còn của nghệ thuật. Cây nghệ thuật có tươi mát, có sum suê hoa trái là nhờ được trồng trên mảnh đất của tình yêu. Thiếu tình yêu nghệ thuật nhất định khô héo. Tình yêu luôn tìm đến tình yêu.
Người nghệ sỹ có yêu nghệ thuật hết lòng, có đam mê phục vụ công chúng hết lòng thì tự nhiên sẽ được tình yêu của công chúng đáp lại. Tình yêu và tài năng như hai tay trong một cơ thể nghệ thuật. Mất tình yêu tức là sự báo hiệu thui chột, què cụt một tài năng. Tình yêu không tự nhiên có mà do sự giáo dục, do rèn luyện bản lĩnh của ý thức chính trị cao.
Hai là, quản lý tốt hơn việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng một bộ phận báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, sa đà vào những thông tin, sản phẩm lệch lạc, thị hiếu tầm thường.
Internet là một thành tựu của nhân loại, nhưng nó cũng được ví như con dao hai lưỡi. Nó cực kỳ tiện dụng cho những ai làm chủ được nó, để tra cứu, để tham khảo, để học tập… nhưng nó lại rất độc hại cho những ai bị nó biến thành nô lệ, là công cụ lợi hại để kẻ xấu tung những thông tin sai lạc…
Quản lý Internet để ngăn chặn những luồng văn hóa phản nhân văn là vấn đề cực kỳ nan giải không thể một sớm một chiều và cần thiết phải được luật hóa hoặc thể chế hóa thành những quy định cụ thể.
Ba là, tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa, phản văn hoá, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hoá dân tộc và tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tiếp biến văn hóa là một khuynh hướng không thể cưỡng lại.
Tiếp biến bao giờ cũng có hai mặt. Con người luôn được tiếp nhận cả mặt tích cực lẫn tiêu cực từ khắp nơi trên thế giới. Điều quan trọng nhất là phải bồi dưỡng một bản lĩnh văn hóa cần thiết để chế ngự cái xấu mà tiếp thu cái tốt.
Hiện nay, các khuynh hướng, các trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật trên thế giới hay có dở có đang từng bước ảnh hưởng tới nước ta. Chúng ta chấp nhận sự đa dạng hóa trong hướng tiếp cận đối tượng sáng tác, nghiên cứu nhưng làm sao phải đảm bảo yếu tố phù hợp với bản sắc văn hóa Việt, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của đông đảo quần chúng lao động.
Ví dụ gần đây có xu hướng cổ xúy cho lối sáng tạo "hậu hiện đại" trong văn học nghệ thuật Việt Nam. "Hậu hiện đại" là gì? Thực ra đến nay vẫn chưa có khái niệm hoàn chỉnh, đại để, đó là hướng sáng tạo đi theo lối phi truyền thống, đẩy sự tìm tòi đi về phía bản năng, hình thành tác phẩm theo lối cắt dán những mảnh vỡ vốn rời rạc, ngôn từ nghệ thuật giải sử thi để quay về cái thông tục, phi lý…
Liệu những lý thuyết ấy có ăn nhập gì với mảnh đất văn hóa Việt? Nói thế để thấy rằng, chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước sự du nhập lý thuyết bên ngoài. Những vấn đề này cần có sự lên tiếng của các cơ quan chức năng chuyên môn, nhưng hình như các cơ quan này có quá nhiều sự khiêm tốn, thận trọng?!
Quan điểm về văn hóa văn nghệ của Đảng đã gặp gỡ với tinh thần triết học văn hóa hiện đại trên thế giới là lấy con người làm trung tâm, con người vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa. Đây cũng có thể coi là triết học văn hóa Việt Nam: "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Tựu trung lại thì nhiệm vụ trước mắt là sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa văn hóa; xây dựng những nếp sống văn hóa với những hành vi, ứng xử có văn hóa. Dĩ nhiên vấn đề con người mang ý nghĩa quyết định.
Nhìn từ góc độ này thì công cuộc phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật đặt lên đôi vai của nhà nghệ sĩ. Đảng và Nhà nước cần tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi của anh chị em để sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
C. Mác có nói về việc phải giáo dục âm nhạc cho người thưởng thức âm nhạc, suy rộng ra là phải giáo dục văn hóa thì mới có con người văn hóa.
Hiện nay nhà trường phổ thông của ta cần quan tâm hơn nữa đến việc "dạy người" trước rồi mới "dạy chữ". Cách dạy nhồi nhét kiến thức hiện nay vừa phản khoa học vừa phản văn hóa. Vì nó bắt các em làm người lớn quá sớm, vất vả quá sớm, khôn quá sớm so với độ tuổi cần được chơi nhiều hơn học.
Theo đúng quan điểm đúng đắn của Đảng thì phải hết sức chú trọng tính dân tộc của văn hóa. Có vậy mới xây dựng được một sức đề kháng văn hóa đủ mạnh để ngăn chặn kịp thời sự xâm lăng về chính trị, văn hóa từ bên ngoài. Các tư tưởng, quan điểm, lối sống độc hại bằng nhiều con đường đang tiêm nhiễm vào một bộ phận dân ta, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Phải coi trọng việc đầu tư cho văn hóa hơn nữa, "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Nhưng tiếc rằng có nơi có lúc xác định mục tiêu phát triển còn nhẹ về văn hóa mà nặng về kinh tế. Phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" để đầu tư cho văn hóa đúng mức, hiệu quả.
T.N

Đăng nhận xét

 
Top