Hiện nay, các trò chơi ngông, thách thức nguy hiểm, phi đạo đức, mất nhân tính rộ lên trên mạng xã hội ngày càng nhiều trong giới trẻ. Nó mang theo những mầm họa cho sức khỏe, tính mạng và nhận thức của giới trẻ. Thực tế, những trò chơi ngông, thách thức nguy hiểm dù biết đáng sợ, nguy hiểm, không ít người trẻ vẫn hào hứng tham gia như: trò chơi dùng dao lam rạch cổ tay, nhảy cầu, đứng cheo leo trên sân thượng các tòa nhà cao tầng nhảy múa, ăn bột giặt hay thử thách Momo gây chết người nổi tiếng...

          Vào khoảng tháng 3/2019, vụ việc về những video độc hại trên một số trang mạng xã hội liên quan tới hình tượng "Momo" ma mị, đáng sợ được lan truyền nhanh chóng, gây ra không ít hoang mang cho cư dân mạng, đặc biệt là trẻ em, khiến nhiều em bị ám ảnh, dẫn tới những hành động nguy hiểm và tổn hại về mặt tinh thần. Cùng với đó, thời gian gần đây lại xuất hiện thêm những trào lưu mới, trò chơi mới đầy nguy hiểm trên mạng xã hội mà giới trẻ đang bị hút vào.

          Hiện nay, giới trẻ đang “phát sốt” với trào lưu selfie tại các khu vực nguy hiểm (killfie) mà không biết rằng nó đe dọa đến mạng sống của chính mình. Có lẽ, việc selfie bình thường đã quá “tầm thường” với giới trẻ hiện nay nên bây giờ phải thử thách bằng việc selfie ở những nơi nguy hiểm, có độ cao chót vót khiến người khác nhìn vào chỉ biết “giật mình thót tim”. Với những hình ảnh nguy hiểm như vậy, họ có hàng trăm, hàng nghìn lượt theo dõi, lượt like. Có càng nhiều người like, share, họ càng điên cuồng bất chấp nguy hiểm và một số người đã tử vong một cách thương tiếc.
          Mới đây, cộng đồng mạng đã phản ứng mạnh khi một kênh Youtube thực hiện một trò “chơi ngông” đầy nguy hiểm mang tên “Thả 100 con dao”. Theo đó, thanh niên này đứng trên tầng thượng 1 tòa nhà, thả 100 con dao, mỗi lần một loạt dao được đính bằng keo đen, mục tiêu nhắm tới miếng thịt lợn được đặt dưới sân. Trò chơi phản cảm này khiến đã khiến dư luận phản ứng dữ dội vì mức độ nguy hiểm của nó, đến mức người mẹ phải lên tiếng xin lỗi giùm con trai. Mục đích trò chơi này chỉ là để “câu view”, tăng lượng theo dõi kênh để tiện bề kiếm tiền.

          Trên Youtube cũng có khá nhiều kênh mà chủ nhân của nó chuyên lấy những trò chơi ngông, chơi dại để thu hút người xem. Có kênh còn lấy hẳn tên “chơi ngu” để thể hiện rõ nội dung mà kênh hướng đến. Ví dụ như kênh “Đi rừng & Làm rẫy” có một clip tên là “Chơi ngu cực mạnh! Thả nước đá vào chảo dầu đang sôi và cái kết”. Trong đó, nam thanh niên đặt một chảo dầu được đun lửa sôi sùng sục giữa rừng, sau đó bỏ một tảng nước đá lớn vào. Kết quả, lửa bùng lên rất mạnh, tạo nên một đám cháy nhỏ. Nhiều người sau khi xem đã phản ứng trước trò “chơi ngông” này, lo ngại về mức độ nguy hiểm của trò chơi cũng như nguy cơ làm cháy rừng.
          Mạng xã hội là yếu tố tiếp tay?
          Mạng xã hội là môi trường cực kì thuận lợi cho sự lan truyền những trò chơi ngông, chơi dại. Mới đây, một “sự kiện” được rủ rê trên Facebook khiến nhiều người giật mình với cái tên “Cầm đũa ra phố đi bộ chọt đít người lạ”. Facebook có nút “tạo sự kiện”, nơi mà người ta có thể dùng để tạo ra một sự kiện nào đó về xã hội, nhằm quảng bá, hay rủ rê tham gia những trò chơi chung.

          Có một sự thật đáng buồn là mặc dù phản cảm, bị phản ứng, bị “ném đá” nhưng các kênh này lại được rất nhiều lượt xem, lượt theo dõi, nhiều thanh thiếu niên hâm mộ. Có thể thấy, những trò chơi ngông, dị hợm, những điều lệch lạc có sức hút với giới trẻ không kém những loại ma túy. Và mạng xã hội đã khiến những trò chơi như thế được lan tỏa một cách rộng rãi, mạnh mẽ, xuyên biên giới, gieo rắc những mầm độc gây tổn thương thể chất và tâm hồn những người trẻ thiếu bản lĩnh, thiếu nhận thức đúng sai.
          Phải chăng đã đến lúc có những biện pháp ngăn chặn?
          Để ngăn chặn những trò chơi nguy hiểm như thế này cần có sự tham gia của rất nhiều bên có liên quan, trong đó quan trọng nhất là gia đình và nhà trường.
          Một là, về phía nhà trường, cần quan tâm theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa những biểu hiện học sinh tham gia những trò chơi nguy hiểm này.
          Hai là, gia đình cùng với nhà trường, chính các bậc phụ huynh cần phải theo sát các biến đổi bất thường ở con em mình, từ đó tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp can thiệp kịp thời.
          Trước tiên, các bậc phụ huynh phải ý thức được rằng hiện nay trên mạng xã hội rất nhiều chương trình có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em. Từ đó, tìm hiểu xem trẻ có tham gia, bị lôi kéo vào trò chơi nguy hiểm hay không? Điều quan trọng nhất là dù bận đến đâu, cha mẹ cũng cần quan tâm, giao tiếp với con mình thường xuyên, nắm bắt được chúng xem gì trên mạng xã hội và để chúng cảm nhận được sự yêu thương, tin tưởng, bảo vệ từ cha mẹ.
          Ba là, các tổ chức đoàn thể cũng như của cả cộng đồng cũng hết sức quan trọng, giúp người trẻ hướng tới suy nghĩ tích cực, nỗ lực phấn đấu khẳng định giá trị của bản thân, tham gia những hoạt động có ích cho cộng đồng. Quan trọng nhất, đó chính là mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, sáng suốt để không bị lôi cuốn vào những trào lưu nguy hiểm, phản văn hóa./.
TH


Đăng nhận xét

 
Top