Theo thống kê của Dữ liệu bạo lực súng đạn (GVA), một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi các vụ xả súng tại Mỹ, tính đến ngày 22/12, đã xảy ra 404 vụ xả súng đã cướp đi sinh mạng của hơn 14.800 người và làm bị thương 28.600 người, không tính các vụ tự sát bằng súng và đây là con số cao nhất mà GVA ghi nhận được kể từ năm 2013.

          Điều này cho thấy tại Mỹ mỗi ngày đều xảy ra vụ bạo lực nào liên quan đến súng đạn. Các vụ xả súng xảy ra nhiều đến nỗi người dân Mỹ đã thờ ơ với các kiểu tin gây sốc, thậm chí một số ý kiến cho rằng họ trở nên "chai sạn" trước các vụ việc như thế này.

          Một khảo sát do đảng Dân chủ thực hiện mới đây cho thấy các vụ bạo lực liên quan đến súng đã khiến Mỹ thiệt hại gần 230 tỷ USD mỗi năm, chiếm tới 1,4% GDP của nền kinh tế nước này. Sự gia tăng các vụ bạo lực súng đạn trước hết bắt nguồn từ cái gọi là "văn hóa súng đạn" lâu đời tại Mỹ, đặc biệt là tại các bang miền Tây.
          Tại bang Texas, được biết đến là bang sùng súng đạn, người dân luôn ngờ vực về các quy định kiểm soát vũ khí hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở quyền sở hữu súng đạn theo Hiến pháp Mỹ. Bên cạnh nguyên nhân về văn hóa, lịch sử, tình trạng gia tăng các vụ xả súng tại Mỹ còn xuất phát từ tư tưởng thù hận, bài người di cư, hay phân biệt chủng tộc của những kẻ xả súng.

          Điển hình cho xu hướng này là vụ xả súng xảy ra tại một cửa hàng Walmart ở thành phố El Paso, giáp ranh giữa Mỹ và Mexico hồi đầu tháng 8, khiến 22 người thiệt mạng và 24 người bị thương. Đây được coi là vụ xả súng đẫm máu nhất tại Mỹ trong năm 2019. Nhà chức trách Mỹ đã xác định thù hận là nguồn cơn của hành động bạo lực này.
          Trước khi gây án, kẻ thủ ác đã đăng tải tuyên bố trên mạng xã hội với nội dung chống người di cư và khẳng định hành vi tội ác này được lấy "cảm hứng" từ vụ xả súng tại một đền thờ tại Christchurch, New Zealand hồi tháng 3 khiến 51 người thiệt mạng.

          Giới chuyên gia nhận định những hành vi tội ác xuất phát từ thù hận không còn mới tại Mỹ, song có sự gia tăng đáng kể các vụ xả súng gây thương vong lớn với nguyên nhân trên trong những năm gần đây. Giáo sư Jon R. Taylor thuộc Đại học Texas tại San Antonio, nhận định các hành vi tội ác thù hận không chỉ đơn thuần xuất phát từ yếu tố chính trị và xã hội, mà giờ đây còn bắt nguồn từ chủ nghĩa cực đoan phân biệt chủng tộc, tư tưởng cực hữu cho đến chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, hay thành kiến sắc tộc và bài người đồng giới.
          Theo Giáo sư Peter J. Li, thuộc Đại học Houston-Downtown, số vụ án do thù hận đã tăng đáng kể kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
          Ông Taylor chỉ ra rằng chỉ có một bộ phận nhỏ trong xã hội Mỹ dường như dễ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan và hành động dựa trên xu hướng này. Tuy khó có thể ngăn chặn hoàn toàn, song giáo dục và sự quan tâm của cộng đồng có thể giảm thiểu những hành vi này.
          Trong bối cảnh này, người dân Mỹ đều trông chờ vào quyết sách của giới chức Mỹ, song lợi ích chính trị, sự bất đồng giữa phe Dân chủ và Cộng hòa đã chi phối nỗ lực kiểm soát súng đạn trong nhiều năm qua, khiến nhiều dự luật "chết yểu". Nhà nghiên cứu Clay Ramsay thuộc Đại học Maryland chỉ rõ kiểm soát súng đạn đã trở thành "sân chơi chính trị" của đảng Cộng hòa và Dân chủ. Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell sẽ không sắp xếp một cuộc bỏ phiếu về các đề xuất kiểm soát súng đạn do đảng Dân chủ đề xuất trừ khi Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ những chính sách này.

          Ông Ramsay nhận định chính quyền của Tổng thống Trump sẽ đưa ra một vài cam kết để kiểm soát súng đạn sau mỗi vụ xả súng nghiêm trọng, song những cam kết này sẽ nhanh chóng "chìm xuồng" khi sự việc đó qua đi. Mới đây, Tổng thống Trump và các nghị sĩ Cộng hòa còn mang vấn đề luận tội ông để "mặc cả" với đảng Dân chủ để đổi lấy việc tiến hành bỏ phiếu về các đề xuất kiểm soát súng đạn tại Thượng viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số. Với sự chia rẽ đảng phái chính trị kéo dài trong nhiều năm, các chuyên gia nhận định khó có sự đột phá nào trong vấn đề kiểm soát súng đạn trong năm 2020, thời điểm nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống quan trọng. Ông Ramsay cho biết hy vọng về sự thỏa hiệp giữa hai đảng là rất thấp. Không quan trọng ai sẽ là Tổng thống Mỹ bởi cách nhìn nhận vấn đề của hai đảng đang bị chính trị hóa khiến họ khó có thể giải quyết vấn nạn này./.
 TH.

Đăng nhận xét

 
Top