Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế
địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao
quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới. Trước hết vì Biển Đông nằm
trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu
– Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đồng thời, Biển
Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới.
Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45%
trong số đó phải đi qua vùng biển Đông. Mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải biển
các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 200 tàu chở dầu và 50% số tàu
này có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% từ 30.000 tấn trở lên. Tuyến vận tải
biển qua Biển Đông được xem là quan trọng số 1 đối với lưu chuyển hàng hóa của
không nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á mà trên cả thế giới. Mỗi năm, ước
tính có khoảng 5.300 tỷ đô la hàng hóa đi qua biển Đông. Theo thống kê
của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng của
Mỹ được chuyên chở qua Biển Đông và lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận
chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama;
khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất
khẩu của Nhật Bản mỗi năm được vận chuyển qua Biển Đông; 55% tổng lượng hàng
xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á đi qua Biển Đông… Đối với Việt Nam, 100%
hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải đi qua Biển Đông. Các chuyên gia ước tính nếu
không lưu thông qua vùng biển Đông, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới
hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần.
Điểm trọng yếu thứ hai của Biển Đông
là các đảo, quần đảo ngoài khơi, như Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm ở vị trí
trung tâm – một trong những nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua nhất trên
thế giới. Các quần đảo này đóng vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là các vị
trí phòng thủ chiến lược trọng yếu đối với nhiều quốc gia trong khu vực Biển
Đông. Đồng thời là các cơ sở hậu cần phục vụ các hoạt động biển xa, như kiểm
soát các tuyến hàng hải đi qua lại trên Biển Đông, dùng cho mục đích quân sự
như đặt trạm ra-đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng và tiếp nhiên
liệu cho tàu thuyền... Các chiến lược gia phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm
soát được quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát và khống chế được toàn bộ
Biển Đông. Chính vì vậy mà Trung Quốc luôn dùng mọi thủ đoạn để thực hiện âm
mưu độc chiếm Biển Đông, hành động đó được thể hiện bằng việc đưa tàu có trọng
tải lớn với khả năng khai thác thăm dò khoáng sản hiện đại ra hoạt động một
cách hiên ngang, khi tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam thực thi nhiệm vụ thì
chúng có hành động ngăn cản; cụ thể như giai đoạn cuối tháng 9/2019 Tàu của lực
lượng Việt Nam thực thi nhiệm vụ bị tàu Hải cảnh 37111 của Trung Quốc trên vùng
biển Tư Chính - Phúc Tần ngăn cản. Hải cảnh 37111 là tàu bảo vệ cho tàu Hải
Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
từ đầu tháng 7/2019. Giẫm đạp lên luật pháp quốc tế, nhiều năm qua, Trung Quốc
có rất nhiều luận điệu ngang ngược để đòi độc chiếm Biển Đông. Trong đó, theo
một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, thì yêu sách “Tứ Sa” là nguy hiểm
hơn cả, bởi phạm vi của nó còn rộng lớn hơn nhiều so với yêu sách đường 9 đoạn
- vốn đã chiếm tới 80% Biển Đông. Minh chứng là vùng hoạt động của tàu Hải
Dương Địa chất 8 hiện không nằm trong phạm vi đường 9 đoạn, nhưng nó lại nằm
trong yêu sách “Tứ Sa”. Đến thời điểm này, cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương
Nghị và người phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước này Cảnh Sảng đều đã khẳng định
yêu sách “Tứ Sa”, thể hiện rõ dã tâm biến Biển Đông thành “ao nhà”.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng yêu sách
cả chủ quyền với các thực thể ngầm, như bãi Tư Chính của Việt Nam. Yêu sách của
Trung Quốc là trong khu vực này, Việt Nam không có quyền khai thác, quản lý và
bảo vệ tài nguyên mà phải “gác tranh chấp cùng khai thác” với Trung Quốc. Với
luận điệu như vậy, Trung Quốc có dã tâm biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa của Việt Nam trở thành vùng chồng lấn, tranh chấp và lao vào đòi quyền
“cùng khai thác” hoặc biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp; trong
khi theo UNCLOS 1982, đó là đặc quyền, độc quyền của Việt Nam. UNCLOS 1982 quy
định ngay cả nếu Việt Nam không tiến hành khảo sát, thăm dò, khai thác tài
nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, thì cũng không một
quốc gia nào khác có thể tiến hành các hoạt động này mà không có sự cho phép rõ
ràng của Việt Nam. Yêu sách này giẫm đạp lên luật pháp quốc tế và không thể
chấp nhận với hành động của một nước được coi là nước lớn, có trách nhiệm trong
cộng đồng quốc tế./.
Đăng nhận xét