Khoảng hai thập niên về trước, khi internet chưa có mặt tại Việt Nam, báo chí nước nhà được đại đa số công chúng quý mến, tin tưởng. Hồi đó, nhà báo đi đến đâu cũng được đón tiếp khá thân thiện, cởi mở và cán bộ, người dân sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí.
          Nhiều nhà báo sinh ra, trải qua chiến tranh được công chúng trân trọng gọi những cái tên ý nghĩa như “nhà báo chiến sĩ”, “sứ giả đưa tin”, “người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng”… Những câu cửa miệng như “báo đăng đây này”, “nói hay như đài” của người dân với hàm ý khẳng định những thông tin được đăng tải, phát sóng trên báo, đài là những nội dung đáng tin cậy.

          Sở dĩ người dân đặt trọn niềm tin vào cơ quan báo chí và nhà báo bởi báo chí không chỉ làm tròn chức năng cung cấp thông tin trung thực, chuẩn mực cho công chúng mà còn là sản phẩm văn hóa chứa đựng những giá trị chân-thiện-mỹ góp phần làm đẹp thêm cuộc sống, làm giàu thêm đời sống tinh thần con người và xã hội. Trong suy nghĩ của nhiều người dân, ngòi bút của nhà báo được ví như biểu trưng của công lý, lẽ phải và nhân văn. Với một bộ phận giới trẻ trong xã hội, được học, theo nghề và làm việc ở các cơ quan báo chí là niềm tự hào không chỉ của bản thân mà là niềm vui của cả gia đình và bạn bè thân thiết.

          Thế rồi, cùng với sự phát triển của công nghệ truyền thông và sự bùng nổ của mạng xã hội, báo chí không còn là nguồn thông tin chính yếu, duy nhất nữa mà cũng phải đổi mới, bứt phá để tìm lại thị phần thông tin cho xã hội. Đáng tiếc, trên hành trình chạy đua, tranh giành thông tin với mạng xã hội, một bộ phận người cầm bút đã bị chênh chao bản lĩnh, ngả nghiêng tâm thế, bị đồng tiền chi phối, bị danh lợi mê hoặc nên không làm tròn bổn phận, sứ mệnh thiêng liêng của người làm báo cách mạng. Một trong những căn nguyên dẫn đến thực trạng đáng buồn này là do nhà báo chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức văn hóa, chưa có tầm nhìn văn hóa về nghề báo, chưa có thái độ ứng xử văn hóa đúng mực trong hoạt động báo chí.

          Thời gian qua, giới báo chí nước nhà không khỏi phiền lòng khi xã hội ngày càng có cái nhìn khắt khe, soi mói hơn về nhà báo. Dư luận xã hội đã xuất hiện những từ ngữ không hay về nghề báo, như: "Báo lá cải", "Nhà báo đếm tầng", "đánh hội đồng", "truyền thông bẩn", "báo ít, chí nhiều"; thậm chí có ý kiến cho rằng, thay vì phấn đấu theo tiêu chí nhà báo "mắt sáng, lòng trong, bút sắc", một số người làm báo thời nay được liệt vào diện “mắt cú, lòng đen, bút chém” để có được "ví đầy" (tức nhiều tiền). Ba năm qua (2016-2018), có 138 nhà báo và cơ quan báo chí bị xử lý kỷ luật và xử phạt hành chính, trong đó 36 nhà báo bị thu hồi thẻ hành nghề, 11 tờ báo bị đình bản. Con số đó có người ví như một "vết dao lam" cứa vào làm xót xa lương tri, đạo đức của những nhà báo chân chính.

          Đã theo đuổi, gắn bó với nghề báo, đừng ai đơn thuần nghĩ đây chỉ là công việc "kiếm cơm" như một số nghề nghiệp phổ thông khác, mà phải coi đây là một sứ mệnh cao cả để có thái độ ứng xử, hành nghề đúng đắn. Cần thấm nhuần rằng, đã gọi là tác phẩm báo chí, dù lớn hay nhỏ, dù ngắn hay dài, dù đề cập bất cứ đề tài nào, thể hiện ở thể loại báo chí gì thì cũng không bao giờ được phép xa rời những chuẩn mực cơ bản của nghề báo là phản ánh, soi chiếu, nhận định, đánh giá mọi sự kiện, vấn đề của xã hội phải bảo đảm tính trung thực, khách quan và thông qua lăng kính chính trị, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của nhà báo.
          Khi nhà báo có tri thức văn hóa dày dặn, tầm nhìn văn hóa sâu sắc, bản lĩnh văn hóa vững vàng thì ngòi bút sẽ góp phần tôn lên vẻ đẹp đời sống văn hóa con người và xã hội. Ngược lại, tri thức nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp, bản lĩnh non nớt sẽ làm cho ngòi bút của nhà báo dễ bị bẻ cong sự thật, từ đó tác động tiêu cực đến môi trường thông tin xã hội và khiến vị thế, hình ảnh người cầm bút bị coi thường, rẻ rúng trong con mắt công chúng.
St./.


Đăng nhận xét

 
Top