Tại sao mở cửa cho người "thẻ xanh"? Những người "thẻ xanh" đúng là vẫn có khả năng nhiễm bệnh và có khả năng lây cho người khác nhưng thấp hơn rất nhiều. Họ khó nhiễm hơn và khi nhiễm cũng rất ít virus nên khó lây cho người khác hơn.



Nếu các "thẻ xanh" chỉ giao tiếp với nhau thì tất cả cùng an toàn. Thứ nhất, nếu ai mắc bệnh thì hầu hết đều nhẹ. Thứ hai, mầm bệnh trong một cộng đồng toàn "thẻ xanh" sẽ lây chậm hơn do ai cũng khó bị lây và khó lây cho người khác hơn. Khi ít ca bệnh và hiếm ca bệnh nặng, mọi người lần lượt bị nhẹ... thì bệnh Covid-19 không đáng lo nữa, lúc đó không cần đếm số ca mắc, chỉ cần thống kê số ca nặng và tập trung chữa cho họ là được.

Ai nguy hiểm nhất đối với người chưa tiêm vắc-xin? Chắc chắn không phải người tiêm đủ 2 mũi mà là người chưa tiêm khác. Vì khả năng bị nhiễm và làm lây bệnh cho người khác của người chưa tiêm cao hơn nhiều. Vì thế, nếu bạn chưa tiêm, đừng nghĩ ngược là "thẻ xanh" sẽ gây nguy hiểm cho bạn. Chính bạn mới dễ đem bệnh lây cho người khác. Vì vậy, tiêm ngừa khi đến lượt không chỉ bảo vệ bạn mà còn cả những người quanh bạn nữa.

Xét về độ nguy hiểm cho bản thân và cả người xung quanh thì "thẻ xanh" là "cựu F0" an toàn nhất, sau đó tới người tiêm 2 mũi, tiếp đến người tiêm 1 mũi, cuối cùng là người chưa tiêm.

Tiêm 1 mũi thì sao? Đã an toàn tương đối nếu bạn còn trẻ và sau tiêm ít nhất 14 ngày. Vì người trẻ thường bị nhẹ. Ai tiêm 1 mũi chưa an toàn? Đó là người cao tuổi, người có bệnh nền... gọi chung là nhóm nguy cơ. Do đó, người được ra ngoài đi làm, bất kể là "thẻ xanh" hay "thẻ vàng", khi về nhà đều nên tránh người thuộc nhóm nguy cơ cho đến khi họ được tiêm ngừa đủ.

Vì vậy, nếu một đơn vị hoạt động lại mà nhân sự có người thuộc nhóm nguy cơ mới tiêm 1 mũi thì nên tách họ ra, có thể cho làm việc tại nhà./.

 

Đăng nhận xét

 
Top