Tưởng rộ lên vài bốn ngày rồi thôi, hóa ra không, chuyện xét nghiệm diện rộng để truy tìm bệnh nhân Covid mà Hà Nội triển khai từ ngày 17/9 về trước, chưa hạ nhiệt. Tới nay, vẫn còn các ý kiến tréo ngoe nhau, kể cả ở giới chuyên môn. Cùng nghề đã thế thì cộng đồng xã hội, cộng đồng mạng không phân tán sao được?



Chống đại dịch là việc chung, người có trách nhiệm mới quan tâm và tham gia ý kiến. Và, cũng cần hiểu mà thông cảm cho nhà chức trách: Trân trọng lắng nghe – đành thế. Nhưng họ vẫn phải bình tĩnh chắt lọc, đánh giá ý nào là đúng, phù hợp; ý nào là chưa, không thể tiếp thu…Nôm na, đó xem như trách nhiệm, bản lĩnh người đứng mũi chịu sào. Lãnh đạo ai nói cũng gật, làm theo tất, thì là ba phải, là anh thợ đẽo cày giữa đường.

Cũng do vậy, người tham góp, phản biện các vấn đề liên quan chống dịch cần hiểu người như hiểu mình để góp gì thì góp, cũng cần thể hiện cái lý, cái tình. Lý, để thuyết phục. Tình, để dù phản biện quyết liệt, thì vẫn rõ tinh thần xây dựng, động cơ tích cực, giúp đối tượng dễ tiếp thu. Hiểu người như hiểu mình còn là để tránh suy nghĩ, tự tin tới mức cực đoan, nhất nhất cho mình là đúng; quy người khác mình là bảo thủ, kém cỏi, dốt nát…

Trở lại chuyện xét nghiệm diện rộng của Hà Nội. Các vị cầm chịch chống dịch hẳn phải biết ơn nhiều ý kiến tâm huyết, khoa học, thiết thực của người dân, dư luận, như đề nghị bổ sung người trên 65 tuổi vào đối tượng ưu tiên tiêm chủng; đề nghị khắc phục những bất cập gây phức tạp, khó khăn cho người dân trong cấp giấy đi đường…Và Hà Nội đã tiếp thu.

Nhưng sự đời không đơn giản. Có những người đã không, đúng hơn, cố tình không hành xử hiểu người như hiểu mình như trên. Nhân danh quyền góp ý, họ cao ngạo, tự cho luôn mình quyền sử dụng ngôn từ xóc óc, miệt thị đối tượng, sa sả mắng nhà chức trách Hà Nội và cả các quan lãnh đạo Bộ Y là kém cỏi, là dốt: Dốt vì đã chủ trương triển khai “xét nghiệm đại trà không cần thiết vừa tốn kém, vừa không hiệu quả, và không bảo đảm vệ sinh khử khuẩn tối thiểu khi làm xét nghiệm”; dốt vì “việc test tầm soát thực chất thế giới đã bỏ từ lâu vì không hiệu quả, đó không phải là giải pháp chống dịch, chống dịch hiệu quả là phủ vaccine thiết lập hàng rào y tế. Chứ không phải suốt ngày đè Dân ra chọt chọt, ai mà chịu nổi?”. Tệ hơn, có người phô đại chữ, học toàn trường Tây mà to tiếng quát đồng nghiệp ủng hộ xét nghiệm rộng là “bưng bô”, “húp bô”…

Để chứng minh chỉ mình là đúng, mấy vị không là thầy thuốc, chẳng là thầy toán cũng nhảy vào đè ngay con số “trong chín ngày từ 8/9/2021 đến 16/9/2021, Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 4.120.000 người. Kết quả, chỉ có 21 người dương tính. Nếu đem tổng chi phí cho đợt xét nghiệm thần tốc trên diện rộng này chia cho 21 ca dương tính, số tiền đổ vào để tìm một ca dương tính với COVID-19 là… hơn 20 tỉ đồng”.

Con số khủng khiếp khiến nhiều người bị kích động, bừng bừng phẫn nộ, cho rằng, Hà Nội thật không biết “xót của dân”. Phẫn nộ mà không biết, cách so sánh đó có thể ví như “đánh tráo khái niệm”. Con số 21 ca F0 kia đâu có đơn thuần là 21 bệnh nhân. Quan trọng hơn, đó là 21 nguồn lây. Xác định nguồn lây trong chống dịch quan trọng vô cùng. Thử tưởng tượng, với nồng độ virus cao gấp 1.260, chu kỳ lây nhiễm 2 ngày, biến thể delta có thể lây lan mạnh 225% so với chủng virus ban đầu phát hiện ở Vũ Hán Trung Quốc…, nếu không phát hiện sớm, khoanh vùng, khống chế, 21 ca F0 có thể nhân thành hàng trăm nghìn ca trong thời gian ngắn…, điều gì sẽ đến với Hà Nội nếu không phải một thảm cảnh tương tự TP.HCM?

Bao bài học nhỡn tiền ở TP.HCM, ở Hà Nội. Mới nhất, từ một ca F0 tại xã Phù Nhân, TP. Phủ Lý phát hiện chiều 19/9, sau 1 tuần, đã lan thành 130 ca mới, đẩy thành phố cận thủ đô này vào tình thế cam go. Đó là chưa kể, nếu không xét nghiệm rộng thời điểm trước ngày 17/9 để nắm tình hình, Hà Nội có đủ tự tin để nới lỏng giãn cách từ ngày 21/9, đưa TP trở lại điều kiện bình thường mới, khôi phục hoạt động kinh tế, tránh thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngày?

Giữa cái được (do không kéo dài giãn cách) và cái mất (chi phí xét nghiệm), con số nào lớn hơn, hẳn ai nấy đều rõ. Có lẽ vì thế, với làn sóng dịch mới do biến thể delta gây ra, Singapore – một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất, có tỷ lệ phủ vaccine cao hàng đầu thế giới, thời điểm này vẫn coi truy vết tiếp xúc, khoanh vùng các ổ dịch và thúc đẩy xét nghiệm diện rộng là các biện pháp chủ yếu.

Chưa dừng ở quy tội lãng phí, có người còn đẩy vấn đề xa hơn. Họ liều lĩnh và độc địa quy kết rằng, xét nghiệm mà Hà Nội và một số địa phương thực hiện là “một chủ trương mang tên test “thần tốc” tàn bạo của đám lợi ích nhóm”.

Không loại trừ kẻ bất lương coi đại dịch như cơ hội để trục lợi. Những kẻ đó sẽ không từ thủ đoạn nào để thò bàn tay lông lá vào các hoạt động cung cấp dịch vụ, thiết bị, thuốc chống dịch. Nhưng phòng tránh, ngăn chặn hành vi bất lương của họ là câu chuyện khác. Nó quá cần thiết, chỉ có điều, không thể vì thế mà để cho cuộc chiến chống dịch khẩn trương, khốc liệt này thiếu phương tiện. Chính thế, ông thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần quán triệt vấn đề này. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ngày 13/9, ông nhấn mạnh: “Cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư … trong phòng, chống dịch Covid-19”.

Thế nên, chuyện “ngoáy mũi” để lấy mẫu xét nghiệm diện rộng Hà Nội từng áp dụng, là việc bất đắc dĩ, căn cứ tình hình dịch tại thời điểm cụ thể. Nhưng không thể lợi dụng việc phản biện để tung ra dư luận những bài viết thóa mạ, xúc phạm, quy chụp trách nhiệm một cách hồ đồ cho chính quyền, ngành y tế và những người ủng hộ chủ trương trên bằng những ngôn từ chợ búa, phi văn hóa. Làm thế, đích thị không còn là phản biện nữa, mà chỉ là cố tình nhắm mắt trước những kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch của Hà Nội, là… “chọc ngoáy” chính quyền mà thôi.

 St

Đăng nhận xét

 
Top