Kể từ sau cuộc cách mạng giành độc lập vĩ đại của dân tộc, có lẽ, đây là lần đầu tiên cả đất nước Việt Nam chứng kiến cảnh tượng đau thương đến xé lòng với số người tử vong trong một thời gian ngắn nhiều đến như vậy.
Theo
thống kê, cả thế giới có tới 5,12 triệu người tử vong do COVID-19. Tại Việt
Nam, hơn 23.000 người đã tử vong chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, con số đó cho
thấy sự tàn khốc, khủng khiếp của vi rút SARS-CoV-2 đối với nhân loại.
Càng
đau thương hơn, COVID-19 đã khiến cho hơn 2.100 em nhỏ mồ côi, trong đó có
nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chỉ tính riêng TP. HCM, nơi gánh chịu hậu quả
nặng nề nhất trong đợt bùng phát thứ tư của dịch bệnh COVID-19 đã có hơn 1.500
em nhỏ mồ côi cha mẹ.
Nhìn
lại cuộc chiến chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, chúng ta đã phải chứng
kiến nhiều cuộc chia ly đầy nước mắt, nhiều người ra đi không kịp nhìn mặt
người thân.
Chắc
nhiều người vẫn chưa thể quên giây phút ám ảnh của những bệnh nhân COVID-19 khi
giã cõi trần được lột tả rất chân thực trong bộ phim phóng sự của Đài truyền
hình Việt Nam mang tên "Ranh giới".
Đến
tận bây giờ, chúng ta vẫn còn ám ảnh bởi những giọt nước mắt bấn loạn, đau xót
và tuyệt vọng của người cha khi nhận lại đồ đạc của cô con gái là thai phụ,
trốn gia đình vào bệnh viện. Ánh mắt thẫn thờ của các bác sĩ khi bệnh nhân tuột
khỏi tay mình, rơi vào bàn tay tử thần. Sự hoảng sợ tột độ của thai phụ khi nói
chuyện với người thân trước khi được các bác sĩ đặt nội khí quản…
Một
trong những câu chuyện mà tôi được biết đó là nỗi đau mất đi người con trai duy
nhất của một Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại một địa phương. Thời
điểm mà cả nước đang bước vào cao điểm của đợt bùng phát thứ tư của dịch bệnh
COVID-19, con trai ông vẫn đang theo học đại học tại TP. HCM.
Dù
lúc đó, địa phương đã tổ chức nhiều chuyến tàu để đón bà con có hoàn cảnh từ
các tỉnh miền Nam về quê tránh dịch nhưng con trai ông vẫn chọn cách ở lại để
nhường suất cho những người khó khăn hơn. Để rồi, trong lúc người cha đó vẫn
đang ngày đêm xoay vần với dịch bùng phát tại địa phương thì phải nhận một tin
dữ từ những người đồng nghiệp của mình, con ông đã ra đi vì COVID-19.
Kể
lại câu chuyện này để thấy rằng, nỗi đau mất người thân của hàng ngàn người
chắc chắn sẽ còn dai dẳng, day dứt. Vết thương lòng của những người con mất
cha, mẹ, rồi những người cha, người mẹ mất con, của những đôi vợ chồng, của
những người thân vĩnh viễn không được gặp lại… không biết khi nào có thể lành
lại.
Với
những nỗ lực trong phòng, chống dịch cho đến hôm nay đã khiến nhiều tỉnh,
thành, địa phương đã trở lại nhịp sống bình thường mới, nhưng chắc chắn vẫn còn
đó nỗi đau thương, khắc khoải về người thân, về những ngày đại dịch bùng phát.
Tại
kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã phải
kìm nước mắt để nói về những đau thương, mất mát của cuộc chiến chống dịch. Để
rồi từ đó, những vị đại biểu đã đề nghị tổ chức một ngày Quốc tang để tưởng nhớ
các nạn nhân tử vong vì COVID-19.
Ngay
sau đó, Thường trực Ban Bí thư đã giao giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam phối hợp TP. HCM và TP. Hà Nội tổ chức Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong
và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19 vào tối 19/11.
Lễ
tưởng niệm sẽ được tổ chức tại nhiều điểm cầu trong cả nước, trong đó điểm cầu
chính là TP. HCM và được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình
Việt Nam. Được biết, TP. HCM đã vận động các nhà chùa và nhà thờ trên địa bàn
đồng loạt đánh chuông tưởng niệm vào lúc 20 giờ ngày 19/11. Cùng thời điểm này,
nghi thức thắp nến, thả đèn hoa đăng sẽ được thực hiện tại tuyến kênh Nhiêu
Lộc- Thị Nghè và kênh Tàu Hũ- Bến Nghé.
Tại
Hà Nội, Lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức tại Công viên Thống Nhất. TP Hà Nội cũng
vận động người dân trên địa bàn tắt đèn điện, thắp nến để tưởng niệm nạn nhân
tử vong vì COVID-19. Đồng thời kêu gọi nhà chùa, nhà thờ cùng đánh chuông trong
thời điểm diễn ra lễ tưởng niệm.
Việc
tổ chức buổi lễ đầy ý nghĩa này nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong vì COVID-19;
thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình
nhân ái cộng đồng.
Qua
đó cũng nhằm khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc
để mọi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn,
linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh,
phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không
chỉ là nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, Lễ tưởng niệm cũng là lời
cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Dịch bệnh không
loại trừ ai. Chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống
của chính mình, của người thân và của đồng bào mình./.
Đăng nhận xét