Tình trạng phủ vaccine không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo được cho là tạo cơ hội để những biến chủng mới như Omicron xuất hiện.



Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11/2021 tuyên bố biến chủng B.1.1.529, được phát hiện tại khu vực phía nam châu Phi từ giữa tháng 11, thuộc nhóm biến chủng "đáng lo ngại" và được đặt tên là Omicron. "Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến chủng này cao hơn các biến chủng khác", WHO cho biết.

Hình minh họa được các nhà khoa học tại Bệnh viện Bambino Gesu, Italy công bố ngày 27/11 cho thấy Omicron có nhiều gai đột biến ở khu vực tương tác với tế bào người. Diện tích tiếp xúc của nó cũng rộng hơn, cho thấy độ lây nhiễm cao hơn Delta. Số đột biến của Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18.

Phần lớn đột biến của Omicron nằm trên protein gai, công cụ giúp virus bám dính và xâm nhập vào tế bào của người, dẫn đến nguy cơ nó có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch và lây lan nhanh hơn. Biến chủng này được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm hàng ngày tại Nam Phi tăng 12 lần trong chưa đầy một tháng.

Biến chủng nCoV đang chiếm ưu thế trên toàn cầu hiện nay là Delta, lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ và gây ra làn sóng đại dịch thứ hai thảm khốc ở nước này, với số ca nhiễm hàng ngày từng lên tới hơn 400.000. Tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ đã hạ nhiệt, với khoảng 1/3 dân số được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ.

Tuy nhiên, vaccine giờ đây vẫn xa vời đối với đông đảo người dân các nước đang phát triển trên thế giới. Theo số liệu từ Our World in Data, dự án thuộc Đại học Oxford của Anh, mới chỉ 7% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ toàn cầu là 42%.

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại châu Âu và Mỹ lần lượt là 67% và 58%, tương phản hoàn toàn với Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, nơi mới chỉ tiêm đầy đủ cho 1,7% trong số 206 triệu dân. Ethiopia, nước đông dân thứ hai châu Phi, mới đạt 1,2%./.

 

 

Đăng nhận xét

 
Top