Những
năm qua, Việt Nam đã triển khai các biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực
đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Các thành
tựu về phát triển kinh tế, xã hội và việc tăng cường hội nhập quốc tế đã tạo ra
các điều kiện vật chất và nguồn lực để Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn các
quyền và tự do cơ bản của người dân.
Nghiêm
túc với các cam kết quốc tế
Cho
đến nay, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát
triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam
đã và đang tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực, đa phương
và song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy và bảo vệ quyền
con người. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu Phát
triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu
Phát triển Bền vững (SDG).
Con
người luôn là trung tâm trong tiến trình phát triển của Việt Nam.
Trước
những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng nhanh chóng đưa
ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó, kiểm soát dịch bệnh
là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền tối thượng là quyền
được sống của người dân; đồng thời thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp
giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất
kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là
những người dễ bị tổn thương.
Từ
năm 2019 đến nay, Việt Nam đã thông qua 36 luật, trong đó có nhiều văn bản luật
quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, góp phần cụ thể hoá
các quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt
Nam là thành viên như Bộ luật Lao động, Luật Thanh niên, Luật Cư trú, Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Xuất cảnh,
nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, Luật
Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Thư viện... Các
luật này đã góp phần kiến tạo thể chế, khung pháp lý điều chỉnh trên lĩnh vực
kinh tế-xã hội có liên quan trực tiếp đến việc thụ hưởng quyền của người dân.
Thực
hiện một số khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III
của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cũng đang xem xét sửa đổi, bổ sung một số
Luật phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc sửa đổi Luật Trẻ em,
cụ thể là định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi, nghiên cứu xây dựng dự thảo
Luật Phòng, chống mại dâm, quy định cụ thể định nghĩa quấy rối tình dục trong
Bộ luật Lao động 2019...
Nhiều
Chương trình hành động cấp quốc gia được ban hành như Chương trình hỗ trợ người
khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn
2021-2030, Chương trình bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và Chương trình hành
động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng, chống mua bán
người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Chương trình phát triển
xã hội giai đoạn 2021-2030…, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị
tổn thương. Việt Nam đang tiếp tục triển khai Luật Bình đẳng giới, Luật Người
khuyết tật và tích cực nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về
các vấn đề này.
Việc
bảo đảm các quyền con người của Việt Nam được thực hiện phù hợp với các chuẩn
mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam hiện là thành viên của 7/9 Công
ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Việt Nam cũng là thành viên của 25
Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có 7/8 Công ước cơ bản; đang
nghiên cứu phê chuẩn Công ước cơ bản còn lại là Công ước 87 về Quyền tự do hiệp
hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ,
nghiêm túc các cam kết nghĩa vụ theo các công ước này, trong đó có nghĩa vụ báo
cáo tình hình thực thi các Công ước tại Việt Nam.
Những
thành tựu nổi bật
Nỗ
lực trong phát triển kinh tế và bảo đảm sinh kế, tạo nền tảng cho việc thụ
hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân, Việt Nam đã tiếp tục
thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo
và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu,
tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao
chất lượng cuộc sống.
Chương
trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã có những
kết quả tích cực như tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5
năm giai đoạn giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn
khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19,
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người
sử dụng lao động; chủ trương bảo đảm tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho
người dân theo các đối tượng ưu tiên mà WHO khuyến nghị.
Về
giáo dục, tại Việt Nam, người dân được tạo điều kiện để học liên tục mọi nơi,
học suốt đời theo nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, trong giai đoạn 2012-2020
đã xóa mù chữ cho 295.308 người trong độ tuổi 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ độ
tuổi từ 15-60 là 97,85% và tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-35 là 99,3%. Việt Nam
cũng đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập
cho các nhóm yếu thế, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh vùng dân tộc thiểu số,
vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, việc tiếp cận
thông tin của người dân ngày càng được phát triển, rộng mở, đặc biệt là người
dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Việt
Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và
đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Mạng lưới
viễn thông tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển rộng khắp với mức phủ sóng
đạt 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số. Theo báo cáo xếp
hạng An toàn an ninh mạng toàn cầu (GCI) năm 2020 do ITU công bố mới đây, Việt
Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số 194 quốc
gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ
4 trong khu vực ASEAN.
Trong
lĩnh vực tự do tôn giáo, tín ngưỡng, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo
được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và có hàng ngàn nhóm sinh
hoạt tôn giáo tập trung độc lập được đăng ký sinh hoạt tôn giáo (trong đó có
các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại
Việt Nam).
Tính
đến ngày 31/12/2020, cả nước hiện có 50.703 cơ sở tín ngưỡng; có 29.801 cơ sở
tôn giáo, 53.390 chức sắc, 95.360 chức việc; 40.075 người vừa là chức sắc, vừa
là chức việc tại 62/63 tỉnh, thành phố và 26.548.509 tín đồ. Việt Nam hiện có
63 cơ sở giáo dục, đào tạo tôn giáo gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài
và Phật giáo Hòa Hảo với hơn 18.000 học viên đăng ký theo học các khóa đào tạo
tôn giáo mỗi năm. Năm 2020 có khoảng 230 cơ sở thờ tự được xây mới, 308 cơ sở
thờ tự được nâng cấp, sửa chữa...
Những
chính sách thiết thực, hiệu quả nêu trên đã khẳng định quyền con người ở Việt
Nam hiện được bảo đảm và không ngừng nâng cao.
CAND
Đăng nhận xét