Ngày 26/7/2022, trang Việt Nam Thời Báo có đăng bài: “Cẩm nang dành cho công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) (phần 1)” cho rằng: “Tệ nạn buôn người lao động Việt Nam đã diễn ra từ hàng chục năm về trước, dù các tổ chức nhân quyền thế giới cực lực lên án nhưng vẫn không được phía Việt Nam quan tâm”. Nên mới đây, Việt Nam bị phía Hoa Kỳ đưa vào “danh sách hạng 3”, “một xếp hạng vi phạm nạn buôn người tệ hại nhất”. Chính vì thế, ngày 18/7/2022, Việt Nam vội vàng mở cuộc họp gồm các Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người”. Viết thế thể hiện họ đã rơi nước mắt, nhưng đó là “nước mắt cá sấu”, hòng hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước ta.



Vậy có thật, Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến việc XKLĐ nên dẫn đến nạn buôn bán người như họ cáo buộc? Câu trả lời là Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến người đi XKLĐ.

Đúng thế! Nhà nước ta luôn hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động ra nước ngoài làm việc. Tại kỳ họp thứ 10, tháng 11/2006, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật số 72/2006/QH-11 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là Luật số 72) có hiệu lực từ 01/7/2007. Căn cứ vào Luật số 72, một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định, Quyết định, Thông tư) được các cơ quan chức năng ban hành theo thẩm quyền đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để quy định, hướng dẫn chi tiết hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đó là, Nghị định số 126/2007/NĐ-CP, ngày 01/8/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 72 và các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019, đã cụ thể hóa hiến định Điều 23 Hiến pháp năm 2013 của nước ta: công dân có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Điều đó đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh thúc đẩy việc bảo vệ quyền của người lao động di cư theo tiêu chuẩn quốc tế. Nghị định số 26/2017/NĐ-CP quy định: Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, trong đó có quản lý nhà nước các dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 119/2007/QĐTTg, ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác bảo hộ công dân. Trên cơ sở đó, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức di cư quốc tế (IOM) từ tháng 11/2007 và tham gia tích cực các hoạt động tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng như các diễn đàn quốc tế, trong nước trên lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài những năm gần đây cho thấy, Luật số 72 và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ một số hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn. Vì thế, tại kỳ hợp lần thứ 10, tháng 11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là Luật số 69) để khắc phục hạn chế của Luật số 72 và phù hợp với thực tiễn mới.

Vì vậy, theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người (năm 2016: 126 nghìn; 2017: 135 nghìn; 2018: 143 nghìn; 2019: 152 nghìn; riêng 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78 nghìn người).

Thực tế cho thấy, bên cạnh người đi XKLĐ theo hợp đồng (có tổ chức), còn một bộ phận người Việt Nam đi làm việc tự do ở nước ngoài, hoặc hết thời hạn hợp đồng, nhưng họ không về nước mà ở lại làm việc tự do. Những người này, do không nằm trong tổ chức nào, nên việc bảo vệ họ có nhiều khó khăn. Nhất là, phần lớn người làm việc tự do có xuất thân từ nông thôn, trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế và do lao động tự do nên việc bảo hộ rất khó thực hiện được đầy đủ, hiệu quả trong thực tế.

Vì vậy, ngày 18/7/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người. Đó là công việc thường xuyên để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước bao gồm cả người đi XKLĐ theo hợp đồng và người làm việc tự do nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, uy tín của quốc gia với bạn bè quốc tế, chứ chẳng phải vì nước nào, mà vì chính nhân dân Việt Nam. Vì thế, dù có giở trò “Nước mắt cá sấu” cũng không hạ bệ được uy tín của Đảng, Nhà nước ta trong việc đưa người đi lao động ở nước ngoài.

Cùng với đó, nhằm chống việc lợi dụng đưa người đi XKLĐ để thực hiện buôn bán người, cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp, như:

1. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế (hệ thống pháp luật) về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua đó ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước truyền thống, chú trọng khai thác thị trường lao động, công việc có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động. Kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh với người lao động.

3. Tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật và chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

4. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội.

5. Tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài, phòng tránh tình trạng lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

6. Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực này./.

 

Đăng nhận xét

 
Top