Thời gian qua, một số thành phần không có nhận thức đầy đủ hoặc cố tình xuyên tạc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ cho rằng Người không hề nhắc đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, “Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội là đi ngược lại ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”… Có thể thấy, luận điệu này hoàn toàn sai lầm:



Thứ nhất, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến cụm từ “chủ nghĩa xã hội”, “xã hội chủ nghĩa”.

Trong bản Di chúc viết năm 1965, đoạn nói về đoàn viên thanh niên, Hồ Chí Minh viết: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Câu này cũng được Hồ Chí Minh lặp lại ở bản Di chúc viết năm 1969.

Còn trong bản năm 1968, Người khẳng định những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong “là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Cũng trong năm này, người viết: “Chúng ta hiểu rằng đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng vô sản để tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản”.

Thứ hai, Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu cao đẹp của Đảng ta là phải lãnh đạo xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Di chúc năm 1965, Người viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Ở phần tiếp theo, Người nêu rõ ràng hơn, cụ thể hơn: “Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Điều đó hoàn toàn trùng khớp với mong mỏi của Người như ở bản Di chúc viết năm 1969: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Và, điều mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc năm 1965 và năm 1969). Điều đó càng khẳng định mục tiêu xây dựng đất nước theo tư tưởng của Hồ Chí Minh là từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

Thứ ba, Hồ Chí Minh nhắc đến yêu cầu đoàn kết của phong trào cộng sản trên thế giới.

Trong bản Di chúc viết năm 1965 và năm 1969, trước khi nói về “việc riêng”, Hồ Chí Minh dành một đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới, “là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Tức là trong 4 năm đó, Người vẫn đau đáu với những vấn đề nội tại của các nước xã hội chủ nghĩa.

Nếu không phải một người trung thành với lý tưởng cộng sản thì liệu Hồ Chí Minh có nặng lòng với các vấn đề đó và luôn giữ sự trăn trở đó cho đến cuối đời?

Chúng ta phải luôn tỉnh táo, không mất cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của một số thế lực chống phá về “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

 

Đăng nhận xét

 
Top