Hoạt động gián điệp nhộn nhịp với những màn nghe trộm và rỉ tai tại các hành lang LHQ thật ra chẳng là chuyện lạ. Từ giữa năm 2011, giới luật sư làm việc cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thậm chí yêu cầu được lắp thiết bị nghe trộm một cách hợp pháp.
Trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) đâu chỉ chứng kiến các hoạt động ngoại giao mà còn là đấu trường của gián điệp nhiều nước, đặc biệt là Mỹ. Khi đến LHQ, đặc biệt trong các buổi nói chuyện định kỳ hàng năm tại Đại hội đồng, giới nguyên thủ nước ngoài không chỉ đến với các viên chức ngoại giao, an ninh mà cả tình báo. Họ rải người khắp hành lang LHQ, trà trộn và tuyển mộ chớp nhoáng "tay trong" tại các khách sạn, tiệm càphê, nhà hàng… khắp New York. Tất nhiên nước chủ nhà Mỹ phải tăng cường công tác "phản gián"!
Nhan nhản bóng dáng điệp viên
Hoạt động gián điệp nhộn nhịp với những màn nghe trộm và rỉ tai tại các hành lang LHQ thật ra chẳng là chuyện lạ. Từ giữa năm 2011, giới luật sư làm việc cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thậm chí yêu cầu được lắp thiết bị nghe trộm một cách hợp pháp.
Văn phòng FBI tại Manhattan có một đơn vị phản gián chịu trách nhiệm "giám sát" giới ngoại giao nước ngoài trong thời gian họ ở New York. Trong khi đó, giới chức ngoại giao nước ngoài cũng nâng cấp kỹ thuật đối đầu. Iran chẳng hạn, họ thường thuê nhiều phòng trong khách sạn khắp New York và thỉnh thoảng hủy cuộc hẹn đặt phòng rồi đặt lại vào phút chót để đánh lừa nhân viên FBI và điệp viên CIA. Một cựu viên chức FBI kể, một nhóm gồm 12 "viên chức ngoại giao" Iran đã chấp nhận tự nhồi nhét trong một phòng!
Một số cơ quan tình báo nước ngoài chẳng hạn như MI-6 của Anh thường hợp tác chặt chẽ với Mỹ tại "đấu trường" LHQ, với điều kiện thông tin thu được phải chia sẻ với cộng đồng tình báo Hoa Kỳ. Dù bị cấm hoạt động nội gián trong nước nhưng do trụ sở LHQ được xem là thuộc "lãnh thổ nước ngoài" nên CIA lại được phép thực hiện điệp vụ mật tại LHQ, với sự phối hợp của FBI. Xem xét danh sách đối tượng được cấp visa vào Mỹ, họ tập trung vào những người đến từ các quốc gia "nhạy cảm chính trị" như Iran hay CHDCND Triều Tiên.
Theo AP, việc chuẩn bị cho các hoạt động rình mò giới chức ngoại giao nước ngoài của CIA-FBI có khi mất hàng tháng. Trong nhiều trường hợp, CIA được phép chiêu mộ cấp tốc bằng việc mua chuộc. Trước khi thực hiện chiến dịch quân sự tấn công Baghdad năm 2003 chẳng hạn, CIA đã đặt ống nhòm vào mục tiêu Naji Sabri (Ngoại trưởng Iraq). Nhà Trắng muốn dò xét xem Sabri có chịu “phản thùng” và thật sự bán đứng Saddam Hussein hay không. CIA nghĩ đến việc sử dụng một tay trung gian để móc nối Sabri.
Tháng 9/2002, khi Sabri đến New York, CIA đã dàn dựng sẵn cuộc phỏng vấn giữa Sabri với một cựu phóng viên nước ngoài đến từ Pháp. Trước kia từng cung cấp thông tin cho tình báo Pháp, tay phóng viên, tự nhận mình "rất thân" với Sabri, đã đồng ý làm trung gian cho CIA với giá ban đầu là 250.000 USD nhưng sau đó đòi đến 1 triệu USD. Thế là, cùng FBI, CIA lắp hệ thống nghe trộm.
Khi tay nhà báo gọi cho Sabri ở Phái bộ Iraq tại trụ sở LHQ, FBI đã nghe tuốt tuồn tuột và biết chắc rằng Sabri đúng là có quen với tay phóng viên. Cuối cùng, qua tay nhà báo, Sabri được trao một danh sách câu hỏi về chương trình vũ khí hạt nhân Iraq. Sabri trả lời từng câu một, khẳng định rằng Saddam chưa bao giờ sở hữu nguyên liệu chế bom nguyên tử; rằng quả là có nhiều kho vũ khí hóa sinh tại Iraq nhưng Saddam đã hủy sạch… Toàn bộ câu trả lời của Sabri đã được CIA đệ trình cho Tổng thống George W. Bush và Phó tổng thống Dick Cheney.
Sau màn thử thách trên, CIA muốn biết thêm rằng liệu Sabri có thật sự muốn đào tẩu khỏi Iraq hay không. Câu trả lời đã đến vào ngày 19/9/2002, khi Sabri xuất hiện đọc bài diễn văn tại Đại hội đồng LHQ, với bộ vest mà CIA bí mật trao cho đương sự - dấu hiệu ngầm cho biết đương sự muốn bỏ Saddam (tuy nhiên, sau cuộc chiến Iraq 2003, Sabri không ở Mỹ mà sang Syria rồi Ai Cập. Ông này từng là giáo sư văn chương Anh, hiện sống và dạy báo chí tại Qatar).
Đấu trường của hoạt động gián điệp
Đúng là khó có thể biết chính xác ai là viên chức ngoại giao thật sự hoặc người nào là "kẻ gian", tại một nơi luôn mở cửa cho nhiều thành phần như ở LHQ, từ nhà ngoại giao đến giới báo chí. "Theo tôi, ai cũng muốn do thám kẻ khác và khi xảy ra khủng hoảng, các nước lớn thường do thám nhiều nhất" - phát biểu của Inocencio F. Arias, cựu Đại sứ Tây Ban Nha tại LHQ. Trong nhiều trường hợp, hoạt động nghe trộm của Mỹ diễn ra gần như công khai. Một số chuyên gia cho rằng sẽ là rất không bình thường nếu Chính phủ Mỹ không biết việc cựu Tổng thư ký Kofi Annan bị tình báo Anh nghe trộm.
Cựu Tổng thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali (nhiệm kỳ 1992-1996, từng bị Chính phủ Bill Clinton gây áp lực rút khỏi đường đua tái tranh cử) cho biết ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã được cảnh báo về nguy cơ văn phòng làm việc có thể bị cài máy nghe lén. Cựu chánh thanh tra vũ khí LHQ Richard Butler cũng kể rằng, ông thường giả vờ tản bộ ngoài công viên trung tâm New York để liên lạc điện thoại bởi văn phòng tại trụ sở LHQ bị cài bọ nghe trộm.
Trong thực tế, vấn đề nghe trộm đã tồn tại từ trước khi một mô hình LHQ thật sự ra đời. Học giả nổi tiếng Stephen Schlesinger (Mỹ) - trong quyển Act of Creation-The Founding of The United Nations (phát hành năm 2003) - cho biết, Washington từng nghe lén các phái đoàn tham gia soạn Hiến chương LHQ để có thể "uốn nắn" nội dung hiến chương theo ý họ và bằng cách này (nghe trộm), Washington đã có thể "viết Hiến chương LHQ gần như từ phác thảo của riêng mình".
Thời Chiến tranh lạnh, việc nghe trộm trong LHQ xảy ra như cơm bữa. Arkady Shevchenko - viên chức ngoại giao cao cấp nhất của Liên Xô đầu binh cho Mỹ - từng bị buộc tội làm điệp viên nhị trùng cho Mỹ lẫn Liên Xô bên trong đấu trường LHQ vào thập niên 70 của thế kỷ trước (với tư cách là Phó tổng thư ký LHQ).
Giai đoạn Chiến tranh lạnh, giới chức Liên Xô bị Mỹ giới hạn phạm vi tự do đi lại chỉ trong bán kính 25 dặm (40,23km) quanh trụ sở LHQ. Tuy nhiên, Liên Xô đã mua cả một khu chung cư tại Bronx (New York) cho giới chức ngoại giao nước mình và thêm một nhà nghỉ bãi biển tại Long Island.
"Các mái nhà tại Glen Cove, tòa cao ốc chung cư ở Riverdale, đã được lắp đầy ăngten để nghe trộm người Mỹ" - cựu điệp viên Arkady Shevchenko viết trong quyển Breaking with Moscow. Có lúc, điệp viên Mỹ và Liên Xô rình rập mọi ngóc ngách trụ sở LHQ, từ phòng hội nghị, phòng họp báo, phòng tổng thư ký đến cả thư viện.
Năm 1975, CIA bị bắt "quả tó" khi cài vào phòng báo chí nhìn xuống khu họp Hội đồng Bảo an - UNSC một chuyên gia có kỹ năng "đọc môi" hiểu được những gì người khác nói bằng cách quan sát sự nhép miệng từ khoảng cách xa). Tháng 10/1986, Mỹ từng yêu cầu 55 nhà ngoại giao Liên Xô rời khỏi nước họ bởi "những hoạt động nghe trộm". Và trong chiến dịch ngoại giao quanh vụ Iraq, tháng 6/2002, Mỹ cũng yêu cầu LHQ sa thải "viên chức ngoại giao" Abdul Rahman Saad (Iraq), sau khi phát hiện ông ta lập kế hoạch tuyển một số công dân Mỹ làm tình báo cho Saddam Hussein…
Trong nhiều trường hợp, với lợi thế chủ nhà, Mỹ đã phối hợp cùng đồng minh thực hiện các vụ nghe trộm để phục vụ lợi ích riêng. Ngày 26/2/2004, gần một năm sau khi Mỹ lật đổ Saddam Hussein, cựu Bộ trưởng Anh Clare Short tiết lộ với Hãng Thông tấn-Truyền hình BBC rằng, tình báo Anh từng cài máy nghe trộm Văn phòng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan.
Vụ việc nhanh chóng leo thang khi cựu chánh thanh tra vũ khí LHQ Richard Butler nói với một đài phát thanh Australia rằng điện thoại của mình "tất nhiên" cũng bị nghe lén từ 1997-1999 bởi ít nhất bốn thành viên Hội đồng Bảo an (Mỹ, Anh, Pháp và Nga).
Và quả bom cuối cùng được châm từ phóng viên Hãng Thông tấn Australia ABC, Andrew Fowler, với thông tin rằng vài nguồn tin từ Văn phòng đánh giá quốc gia Australia cho biết: họ từng đọc được bản ghi các cuộc điện đàm của nguyên chánh thanh tra vũ khí LHQ Hans Blix…
Clare Short không là người đầu tiên gây chú ý với tiết lộ trên. Trước đó, tờ The Observer từng gióng tiếng chuông đầu tiên khi cung cấp thông tin cho thấy cơ quan Tổng hành dinh thông tin chính phủ (GCHQ - nơi có chức năng tương tự Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ) từng phối hợp với tình báo Mỹ thực hiện chiến dịch nghe trộm các thành viên UNSC từ cuối tháng 1/2003, khi chiến dịch thuyết phục UNSC ủng hộ cuộc chiến đánh Iraq bắt đầu bế tắc.
Hoạt động nghe trộm được chuẩn y từ tổng giám đốc GCHQ David Pepper và có thể liên quan đến Ngoại trưởng Anh Jack Straw (người chịu trách nhiệm tổng quát hoạt động của GCHQ). Mục tiêu bị nghe lén gồm vài thành viên UNSC trong đó có Chile, Bulgaria, Cameroon, Angola, Guinea và Pakistan (những quốc gia có lá phiếu quyết định việc thông qua một nghị quyết thứ hai nhằm làm cơ sở pháp lý quốc tế để tấn công Iraq).
Vụ việc đổ bể khi The Observer phát hiện vụ một phiên dịch của GCHQ - tên Katherine Gun, 29 tuổi - chuẩn bị đối mặt với phiên xử tội tiết lộ bí mật quốc gia dưới sức ép của Mỹ. Được thuê làm việc tại Trung tâm theo dõi thuộc GCHQ với nhiệm vụ phiên dịch tiếng Hoa, Katherine Gun bị quy kết đánh cắp và tuồn cho báo chí Anh bản ghi nhớ tuyệt mật gửi đến GCHQ từ viên chức Frank Koza thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA)...
***Theo điều luật bí mật ký giữa Anh-Canada-Australia-Mỹ, Washington phải có trách nhiệm chia sẻ thông tin về những mục tiêu được theo dõi trong phạm vi nước Mỹ. Không thiết bị nghe trộm điện thoại nào được phép sử dụng tại Mỹ nếu không có trát của tòa. Khi việc nghe trộm liên quan đến mục tiêu là giới chức ngoại giao nước ngoài, FBI hoặc NSA phải có sự chuẩn y trong khuôn khổ Đạo luật theo dõi tình báo nước ngoài và trong bất kỳ trường hợp nào, tình báo Mỹ cũng không được nghe trộm tại LHQ. Ba hiệp định - Công ước quyền miễn trừ LHQ năm 1946; Thỏa ước Mỹ-LHQ về tính bất khả xâm phạm trụ sở LHQ năm 1947; và Công ước Vienna về quan hệ đối ngoại năm 1961 - đã khẳng định tính không thể xâm phạm trụ sở LHQ. Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Trong thực tế, gần như chưa bao giờ xảy ra vụ điều tra hoặc xử hành vi gián điệp nào của Mỹ tại LHQ!
Đăng nhận xét