Biểu tình được hiểu là hành động
tập hợp đông người, có tổ chức và được diễn ra tại nơi công cộng với mục đích
là bộc lộ thái độ của người đi biểu tình đối với một vấn đề đang xảy ra trong đời
sống chính trị, kinh tế, xã hội và cũng được quy định rõ trong các văn bản quy
phạm pháp luật của nước ta, như: Sắc lệnh số 31 ngày 13/9/1945 do Chủ tịch
Chính phủ lâm thời ký, trong đó Điều thứ 1, quy định: “Những cuộc biểu tình phải
khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ
này”. Điều 25, Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi nhận, biểu tình là quyền cơ bản
của công dân: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông
tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy
định”.
Thực tế hiện nay, quyền
được biểu tình mới chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp mà chưa được điều chỉnh
bằng Luật Biểu tình. Để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, pháp luật Việt Nam cũng
đã có những văn bản pháp quy điều chỉnh hành vi “tập trung đông người tại nơi
công cộng”, cụ thể là Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp đảm bảo
trật tự công cộng và Thông tư 09/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị
định 38/2005.
Theo đó, tại Điều 7, Nghị
định 38/2005/NĐ-CP quy định: Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải
đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và
phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Quy định này không áp dụng đối với các
hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức chính trị - xã hội tổ chức. Theo Nghị định này, hoạt động tập trung đông
người ở nơi công cộng là những trường hợp tổ chức tập trung từ 5 người trở lên;
đồng thời quy định rõ về những hành vi vi phạm khi tập trung đông người ở nơi
công cộng.
Tuy
nhiên, vẫn còn nhiều người dân chưa nắm bắt quy định của pháp luật, dẫn đến vi
phạm, gây mất an ninh, trật tự. Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn thành phố
vẫn còn tình trạng tập trung đông người trái pháp luật trước trụ sở một số cơ
quan Đảng, chính quyền thành phố (Ủy ban nhân dân thành phố, Thành ủy…) mặc dù
nơi đây đã có biển quy định không tụ tập đông người. Nhất là trong những ngày
vừa qua một số người dân huyện Thủy Nguyên, An Dương, Vĩnh Bảo thường tập trung
đông người kéo đến Trụ sở tiếp dân thành phố yêu cầu được gặp lãnh đạo thành
phố để giải quyết kiến nghị, khi không gặp được lãnh đạo thành phố đã bức xúc
kéo sang Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục yêu cầu được gặp lãnh đạo thành
phố (mặc dù trước cửa và xung quanh Trụ sở UBND thành phố đều có biển quy định
không tụ tập đông người)… đã gây cản trở và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường
của các cơ quan Đảng, chính quyền thành phố…
Như vậy, theo Nghị định
38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng và Thông tư
09/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định 38/2005 thì những trường
hợp không tuân thủ các quy định của pháp luật nêu trên, sẽ bị xử phạt hành
chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi
phạm. Cụ thể như sau:
- Xử lý vi phạm hành chính:
Căn cứ Nghị định 167/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa
cháy, phòng chống bạo lực gia đình), hành vi vi phạm trật tự công cộng sẽ bị
phạt tiền.
+ Mức phạt thấp nhất là
phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi gây mất
trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ…
+ Mức phạt cao nhất là phạt
tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang
theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.
- Truy cứu trách nhiệm hình
sự: Người nào gây rối trật tự công cộng ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an
toàn xã hội, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về
tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm
hình sự về tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015).
Theo đó, chủ thể thực hiện
hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam
giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp phạm tội có tổ
chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông
nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây
rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng…, có thể bị phạt tù
từ 2 - 7 năm.
Ngoài ra, còn có thể bị xử
lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ (Điều 330, Bộ luật Hình sự năm
2015), với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng
đến 7 năm; tội bạo loạn (Điều 112, Bộ luật Hình sự năm 2015), với khung hình
phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người tổ chức, người
thực hiện đắc lực gây hậu quả nghiêm trọng; tội phá rối an ninh (Điều 118, Bộ
luật Hình sự năm 2015), với hình phạt tù mức cao nhất là 15 năm.
Do đó, người dân cần phải chấp
hành đúng quy định pháp luật, không tập trung đông người trái pháp luật, gây
mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Đăng nhận xét