Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi trả lời báo chí về bản PTTN đã nhấn mạnh: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với các nước, trong đó có Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt. Đến nay, Việt Nam - Mỹ đã có 20 vòng đối thoại song phương thường niên về quyền con người. Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ tuy đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam”.
Cũng như những năm trước đây, bản PTTN năm nay đã lượm lặt nhiều thông tin mạng không kiểm chứng, không thể hiện đúng bản chất quan điểm của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về nhân quyền.
Trước hết, về việc Quốc hội Việt Nam chưa thông qua một số đạo luật (do Chính phủ đệ trình), trong đó có Dự luật về Hội và Dự thảo sửa đổi Luật Hình sự, những ai theo dõi các kỳ họp Quốc hội vừa qua đều nhận thấy rõ rằng, việc Quốc hội chưa thông qua một số Dự luật là cần thiết. Lý do đơn giản là do những Dự luật này còn nhiều sai sót cả về nội dung và kỹ thuật.
Về Dự án Luật về Hội, nhiều đại biểu và một số báo đã chỉ ra nhiều sai sót về quan điểm và kỹ thuật. Về việc Quốc hội chưa thông qua Bộ luật Hình sự cũng có nguyên nhân. Chẳng hạn như Dự luật bỏ sót định lượng, trùng định lượng (về giá trị tiền, giá trị thiệt hại về tài sản, định lượng ma túy, khối lượng xả thải ra môi trường…). Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật khẳng định: “Bộ luật Hình sự năm 2015 chủ yếu mắc sai sót về kỹ thuật. Nếu đem ra áp dụng có thể dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm”.
Thứ hai, bản PTTN cho rằng, Việt Nam kiểm soát và kiểm duyệt gắt gao báo chí, giới hạn tự do internet… Thiết nghĩ PTTN 2016 vẫn lặp lại định kiến cũ. Trên thực tế, những quy định về quyền tự do ngôn luận, báo chí trong Luật Báo chí của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định hạn chế quyền trong nhiều công ước về nhân quyền của Liên hợp quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay, Việt Nam đã có 858 cơ quan báo in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 66 đài phát thanh, truyền hình. Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn, báo chí lớn. Hiện ở Việt Nam có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài “online”, trong đó có các kênh nổi tiếng như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg..., có tới 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam; nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, The Economist, Financial Times... Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực.
Thứ ba, về đánh giá “người dân không có quyền thay đổi chính phủ qua quá trình bầu cử tự do”, thực tế đã hoàn toàn bác bỏ đánh giá này. Theo thông báo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã bảo đảm đầy đủ các quyền chính trị, dân sự của người dân. Tỷ lệ cử tri đã bỏ phiếu đạt 99,35%. Về cơ cấu đại biểu, có 86 người là dân tộc thiểu số, phụ nữ 133 người, người ngoài Đảng 21 người... Trình độ văn hóa của đại biểu Quốc hội khóa XIV cao nhất so với các khóa trước.
Thứ tư, về tình trạng “tham nhũng tràn lan”. Thực ra đây là một đánh giá có cơ sở, nhưng đó cũng là đánh giá của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đảng và Nhà nước khuyến khích báo giới tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nhiều vụ việc tham nhũng, lợi ích nhóm do chính giới báo chí phát hiện và Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu điều tra, xử lý.
Thiết nghĩ, những người soạn thảo PTTN (năm 2016) cần thay đổi cách nhìn nhận khái niệm nhân quyền; cần loại bỏ cách xem xét, đánh giá vấn đề nhân quyền bằng những thông tin không được kiểm chứng. Sai lầm nghiêm trọng của những người soạn thảo PTTN là không nhìn nhận vấn đề nhân quyền từ quyền của đại đa số người dân như thế nào. Hiện nay, Việt Nam có hơn 90 triệu người. Tuyệt đại đa số người dân Việt Nam ngày nay đang được hưởng thụ quyền và hưởng thụ lợi ích thiết thực từ các chính sách, pháp luật. Đây mới là nhân quyền rộng lớn của một xã hội-quyền của cả cộng đồng, nhất là trên lĩnh vực an sinh xã hội.
Nói về những khiếm khuyết nhân quyền, thiết tưởng quốc gia nào không có, thậm chí nằm ngay trong thể chế, tư duy chính trị và pháp lý của người lãnh đạo quốc gia. Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ mới đây là một ví dụ. Cựu Tổng thống Jimmy Carter, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, khẳng định: “Nền dân chủ tại Hoa Kỳ đã chết, thay vào đó, nước này đã biến thành một tập đoàn đầu sỏ chính trị khi các ứng viên phải bỏ ra tới 300 triệu USD nếu muốn chạy đua vào Nhà Trắng… Sẽ không có cách nào để trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ nếu như bạn không tích lũy đủ từ 200 đến 300 triệu USD, hoặc hơn thế nữa…” (ông nói với bà Winfrey trong chương trình Super Soul Sunday).
Vì vậy, lối tư duy cổ hủ, lỗi thời, kỳ thị, định kiến với chế độ xã hội và Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền hiện nay đang làm tổn thương đến lợi ích, quan hệ đối tác tốt đẹp Việt Nam - Hoa Kỳ./.
TC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét