Mô hình cho vay tiền qua ứng dụng (app) có xu hướng ngày càng nở rộ, đây là hình thức cho vay không giấy tờ và chỉ thỏa thuận bằng miệng. Khi đáo nợ, người cho vay cứ "vô tư" đưa ra lãi suất trên trời và người vay phải đành chịu khi mình đã "sa bẫy".

Tiện lợi nhưng nguy hiểm

Thời gian gần đây, mô hình cho vay tiền qua ứng dụng (app) có xu hướng ngày càng nở rộ. Người vay chỉ cần tải ứng dụng vay tiền về điện thoại di động, đăng ký thông tin cá nhân và gửi yêu cầu vay. Chỉ vài giờ sau đó, tiền sẽ được gửi vào tài khoản cá nhân.
Điều đáng nói, có những ứng dụng cho vay chỉ tồn tại dưới dạng ứng dụng điện thoại di động, không có thêm bất kỳ thông tin về đơn vị quản lý. Chẳng hạn ứng dụng “VDong", "I Dong..”, triển khai cho vay trên điện thoại nhưng không thể tìm được công ty chủ quản, chỉ được một số website quảng cáo là ứng dụng vay tiền nhanh trực tuyến, vay tiền tín chấp nhanh, an toàn và bảo mật. Khách hàng ở khắp 63 tỉnh thành có thể vay tín chấp qua điện thoại, bên cho vay sẽ chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng của người vay sau 4 giờ làm việc, với thời hạn vay 60-120 ngày.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, phân tích: Khi vay tiền, thường thì người dân sẽ vay tại các ngân hàng, công ty tài chính hoặc tiệm cầm đồ. Hiện nay, xuất hiện thêm hình thức vay mới là vay qua online. Hình thức vay này có lợi là rất nhanh, chỉ mất vài tiếng là có tiền mà thủ tục đơn giản.
Tuy nhiên, đằng sau những tiện lợi ấy là “cái bẫy” rất nguy hiểm bởi đa phần người cho vay online sẽ báo lãi suất rất thấp nhưng khi trả thì sẽ phát sinh ra tiền phạt chậm trả với lãi suất có khi lên đến 600 - 700%/năm.
Hơn nữa, đây là hình thức cho vay không giấy tờ và chỉ thỏa thuận bằng miệng. Khi đáo nợ, người cho vay cứ vô tư đưa ra lãi suất trên trời, người vay cũng phải chịu. Nếu không trả, người cho vay thường dùng hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen như gọi điện thoại hù dọa, đến nhà đòi nợ và thậm chí dùng vũ lực để buộc người vay phải trả tiền.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM), cho vay tiền qua app là một dạng tín dụng đen bằng công nghệ và đang lách luật để hoạt động. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, để được hoạt động cho vay tín dụng cần được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, việc nhân viên các tổ chức cho vay còn đưa hình ảnh người vay lên mạng xã hội với nội dung bôi nhọ, xúc phạm là trái pháp luật.
Tín dụng “đen” núp bóng các ứng dụng
Các app cho vay thường quảng cáo lãi suất thấp nhưng thực chất họ trừ số tiền phí lớn.
“Theo tôi đánh giá, thực chất số tiền mà các app giữ lại chính là khoản tiền lãi. Tôi cho rằng về lâu dài, để quản lý hình thức cho vay này, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ. Cần có luật, cơ chế để phân loại hình thức vay nào có thể cho hoạt động, hình thức nào cần sự quản lý chặt. Trong đó các hình thức cho vay có lãi suất đều phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước” ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kiểu vay tiền online này xuất hiện cách đây khoảng hai năm và có khoảng 40 công ty đang hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.
Hoạt động cho vay ngân hàng được thiết kế trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay (nhà đầu tư), không thông qua trung gian tài chính. Tuy nhiên, mô hình này đang biến tướng thành kênh tín dụng “đen”.
“Nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng “đen” núp bóng các ứng dụng này để cho vay với lãi suất “cắt cổ”, đẩy nhiều người dân vào cảnh nợ nần không lối thoát” – ông Hùng nói.
Phần lớn những người vay tiền qua app đều ở các địa bàn xa xôi, nơi mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân ít hiểu biết trong đó có cả những người nghèo ở khu vực thành thị. Trong thực tế, với những quảng cáo “có cánh” như được vay nhanh, vay liền mà không cần thế chấp, không cần xét duyệt hồ sơ... các app cho vay này đã thu hút một lượng lớn người dân cần vốn gấp, ít hiểu biết và không có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.
Những người vay nóng qua app đang bị rơi vào một vòng luẩn quẩn là “nhắm mắt” vay đại do điều kiện cho vay dễ dãi, chỉ đến khi thu nhập không đủ trang trải lãi suất đúng hạn, người vay mới biết mình “dính bẫy” lãi suất cao, lãi chồng lãi, thậm chí có thể mất nhà cửa, tài sản...
Thiết nghĩ, để đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh sa vào bẫy tín dụng “đen”. Một khi tiến hành giao dịch dân sự về tiền tệ thì phải nắm các quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình.
Mặt khác cần siết chặt công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, có chính sách huy động vốn từ người dân; quản lí chặt chẽ các tổ chức tín dụng, cơ sở cầm đồ… Đặc biệt là phải tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp, giúp họ tránh xa bẫy tín dụng “đen” hoạt động trái pháp luật đang bùng phát và gây ra những hậu quả khó lường.
VT

Đăng nhận xét

 
Top