Liên minh châu Âu (EU) ngày 5-12 công bố Hệ thống Kế hoạch hành động chống tin tức giả (APAD) giúp các nước thành viên cảnh báo lẫn nhau trước các thông tin trực tuyến sai sự thật. Hệ thống nhằm tăng cường phòng chống tin tức giả mạo được EU triển khai trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại về tình trạng tung tin giả mạo trên mạng nhằm chia rẽ chính trị và cổ súy cho chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt là để hạn chế những tác động tiêu cực tới các cuộc tranh luận trực tiếp trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5-2019, cũng như các cuộc bầu cử tại các quốc gia thành viên.
APAD được EU đưa ra khi mà tình trạng tin tức giả mạo, thất thiệt hoành hành nhức nhối tại các quốc gia thành viên cũng như toàn cầu. Hiện có tới hàng triệu tin tức giả trong con số khổng lồ tin tức được hàng tỷ tài khoản cá nhân và tổ chức đăng tải một ngày, trong đó nguy hại nhất là những “fake news” liên quan tới chính trị, chính trị gia hay nhân vật nổi tiếng.
Bên cạnh môi trường pháp lý không gian mạng vô cùng lỏng lẻo, tính chính danh, ràng buộc trách nhiệm… việc tin tức giả mạo ngày càng “lộng hành” trên mạng xã hội có sự “tiếp tay” từ chính các “ông lớn” mạng xã hội của thế giới. Từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 tại Mỹ cho tới cuộc bầu cử tại Pháp, trưng cầu ý dân Anh tách khỏi EU (Brexit) xuất hiện hàng loạt tin tức giả tác động không nhỏ tới quyết định của cử tri và “nghi phạm” chính bị “điểm mặt chỉ tên” là Facebook, Google, Twitter, Mozilla… Sau các lần bị điều trần tại Mỹ và châu Âu, Facebook, Googlee đã phải thừa nhận trách nhiệm của họ trong việc để tin giả mạo hoành hành, gây ra những tác hại nghiêm trọng, đồng thời bước đầu hành động để ngăn chặn.
Facebook vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã thông báo về việc thiết lập một văn phòng đặc biệt, với tên gọi “War Room” đặt trụ ở tại Thung lũng Silicon (Mỹ), nhằm nỗ lực ngăn chặn sử dụng mạng xã hội để can thiệp các cuộc bầu cử sắp tới thông qua việc tung tin tức giả mạo.
Thế nhưng, theo đánh giá chung, những biện pháp mà các nhà mạng xã hội triển khai nặng về đối phó là chính, còn chưa hiệu quả thực sự để ngăn chặn tình trạng tin tức giả mạo. Chính vì vậy, không thể chỉ trông chờ vào các “ông lớn” mạng xã hội mà mọi quốc gia, tổ chức đều chủ động tìm giải pháp của riêng mình nhằm giảm thiểu tác hại của tin tức giả.
APAD của EU dự kiến chính thức được thiết lập vào tháng 3-2019 sẽ chia sẻ dữ liệu, phân tích các chiến dịch tuyên truyền và thúc đẩy các hình thức liên lạc khách quan giữa các thành viên trong khối để ứng phó với tình trạng tung tin giả mạo, sai sự thực và nâng cao cảnh giác cho cộng đồng.
EU cũng yêu cầu Facebook và các nhà mạng xã hội khác tuân thủ cam kết đảm bảo quảng bá chính trị minh bạch, chặn các tài khoản giả mạo và phối hợp chặt chẽ để xác định các chiến dịch tung tin sai lệch. Từ tháng 1 đến tháng 5-2019, các nền tảng trực tuyến phải báo cáo hàng tháng lên Ủy ban châu Âu (EC) và kết quả đánh giá việc tuân thủ yêu cầu của EC và sẽ xử lý các nền tảng trực tuyến không tuân thủ nghiêm những cam kết.
Với Việt Nam, tài khoản và thông tin giả mạo cũng là một vấn đề nhức nhối khi tung ra những “fake news” gây chia rẽ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, quảng bá hình ảnh dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, thậm chí không ít những thông tin tuyên truyền xuyên tạc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu Facebook, Google gỡ bở hàng nghìn tài khoản cũng như thông tin giả mạo. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là con số nhỏ so với những vi phạm pháp luật Việt Nam.
Việt Nam, cũng như cộng đồng quốc tế, cần phải cấp bách hành động, có những biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn vấn nạn tin giả trên mạng xã hội cùng tác hại khôn lường của nó./.MK
Đăng nhận xét