Trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin trong đời sống xã hội, tuy nhiên tình trạng tin tức giả tràn ngập trên các trang mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người.

Tràn lan tin giả trên mạng xã hội
Năm qua, hàng loạt tin giả như: máy bay rơi, vỡ đập thủy điện, bắt cóc trẻ em, đổi tiền, giá nhà đất khu vực X nào đó sẽ tăng cao… được lan truyền trên mạng xã hội, gây không ít hoang mang, bất ổn, thậm chí gây ra những phản ứng bất bình thường.
Mới đây trên facebook xuất hiện tài khoản giả mạo mang tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam”. Tài khoản này copy đầy đủ hình ảnh các vị lãnh đạo, với nhiều nội dung được chia thành các chuyên mục. Và chỉ trong vòng vài chục giờ đồng hồ, tài khoản mạo danh này đã đăng hàng loạt trạng thái về những vụ việc gần đây được công chúng quan tâm. Ví dụ: “Cảnh giác với chiêu trò kêu gọi ký tên vì công lý cho Hà Văn Nam; Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống; Và tiếp tục đưa ra những lời lẽ bình phẩm về vấn đề khai trừ đảng một phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - Xã hội thành phố Đà Nẵng”…
Gần như cùng lúc, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện fanpage mạo danh “Báo Công an”, trong đó đăng clip về vụ một Việt kiều về nước, tranh cãi với nhân viên sân bay Tân Sân Nhất vì cho rằng hành lý của họ bị cắt khóa, lấy đồ tại sân bay Việt Nam nhưng thực chất không phải như vậy. Clip này làm ảnh hưởng tới hoạt động của hàng không Việt Nam và tạo ra hình ảnh méo mó, xấu xí về đất nước và con người Việt Nam.
Liên quan đến tin đồn học sinh ăn thịt lợn nhiễm sán gạo tại Bắc Ninh, ngày 19/3, Công an huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết đã mời đối tượng Nguyễn Bá Mạnh (sinh năm 1987) trú tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành để làm rõ về việc đối tượng này đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội về sử dụng thịt lợn nhiễm sán tại Trường mầm non Ngũ Thái. Tại cơ quan công an, Mạnh thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook Côngnông Đầudọc. Mạnh đã tải 2 hình ảnh thịt lợn nhiễm sán trên Internet rồi đăng tải lên Facebook cá nhân của Mạnh kèm theo status bịa đặt là "Cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng, không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán... ".
Công an huyện Thuận Thành đã yêu cầu Nguyễn Bá Mạnh gỡ bỏ nội dung thông tin sai sự thật trên và thông tin đính chính, xin lỗi trên mạng xã hội về việc đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến việc sử dụng thịt lợn nhiễm sán tại Trường mầm non xã Ngũ Thái, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Theo một số liệu mới đây của một công ty sở hữu mạng xã hội thì hiện nay số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội này lên tới con số hơn 40 triệu tài khoản. Còn số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày. Tin giả trên mạng xã hội không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.
Tin giả - thách thức báo chí thời công nghệ số
Thực tế tại Việt Nam, không ít nhà báo đã bị lừa bởi thông tin trên mạng xã hội. Chẳng hạn vụ đăng tải thông tin về dàn siêu xe gắn biển xanh của thành phố Cần Thơ, hoặc bài tập làm văn của em bé viết thư cho bố công tác ở đảo xa, hoặc cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường… Hệ lụy là nhiều cơ quan báo chí đã bị cơ quan quản lý nhắc nhở, xử phạt.
Dàn “siêu xe”  biển xanh thực chất chỉ là xe đồ chơi.

Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo trước phiên khai mạc “Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 – Công nghệ số cho những điều tốt đẹp” diễn ra vào ngày 20/3, ông Micheal Croft, đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với báo chí về nạn tin giả.
“Sự vào cuộc của hàng loạt quốc gia trong cuộc chiến chống tin giả (fake news) cho thấy nguy cơ từ tin giả ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Thực tế này không chỉ yêu cầu các quốc gia có thái độ nghiêm túc, hành động quyết liệt, có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu, mà còn đòi hỏi trách nhiệm từ chính các cơ quan, đơn vị báo chí”, ông Micheal Croft nói.
Theo định nghĩa của UNESCO, các tin giả và tin sai đều khác với báo chí chất lượng vì báo chí phải tuân thủ những tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, báo chí kém chất lượng lại tạo điều kiện cho tin xuyên tạc, tin sai nảy sinh hoặc rò rỉ vào trong hệ thống tin thật.
“Trong bối cảnh tin xuyên tạc và tin sai ngày nay, nguy cơ cuối cùng không phải là sự kiểm soát báo chí một cách vô lý, mà là việc công chúng có thể hoài nghi tất cả mọi thứ, kể cả tin sự thật của báo chí. Theo kịch bản này, mọi người sẽ có khả năng tin tưởng vào bất cứ nội dung gì được các mạng xã hội của họ ủng hộ và phù hợp với cảm xúc mà bỏ qua quan tâm của lý trí” – đại diện UNESCO khuyến cáo.
Đánh giá tác hại của tin giả, D.Patrikarakos, tác giả cuốn sách “Chiến tranh trong 140 nhân vật” đã phân tích, đại ý: tin giả không hoạt động như tuyên truyền truyền thống, nó cố gắng làm vẩn đục nước, cố gắng gieo càng nhiều nhầm lẫn và càng nhiều thông tin sai lệch càng tốt, để khi mọi người nhìn thấy sự thật, họ khó nhận ra hơn…Trước vấn nạn trên, vai trò của báo chí truyền thống, với tư cách là người đảm bảo chất lượng của thông tin đại chúng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Thông tin của báo chí truyền thống đã bị nhấn chìm trong dòng thác các dữ liệu được đưa ra từ vô số nguồn của các cá nhân hay tổ chức ẩn danh khác nhau, mà đa phần là tin tức giả mạo hay sự nhào trộn khéo léo giữa tin thật và tin giả. Việc lan truyền tin giả, còn gọi là fake news, đang trở thành mối lo ngại lớn khi truyền thông xã hội ngày càng phát triển. Không những làm xói mòn lòng tin của độc giả vào truyền thông, tin giả còn gây ra hàng loạt hậu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới./.
DT

Đăng nhận xét

 
Top