Thời gian qua, “tín dụng đen” bùng phát một cách khó kiểm soát. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có tới 188 cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, hầu hết đều chưa được cấp phép. Khách hàng của các cơ sở này chủ yếu là những thanh niên ham chơi, lười lao động, cần tiền sử dụng vào các tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc, ma túy, cá độ… và có không ít người dân vay tiền để đảo vốn ngân hàng, để trả nợ hoặc do hoàn cảnh khó khăn cần tiền để giải quyết công việc nhưng không có tài sản thế chấp.
Hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng đang hoành hành, khiến cuộc sống của nhiều người dân điêu đứng. Câu hỏi đặt ra, cần làm gì để ngăn chặn “tín dụng đen” đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội?
Đa dạng trong các gói vay, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, chúng xâm nhập, tiếp cận các đối tượng, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, từ công chức nhà nước đến lao động tự do. Khi người vay có nhu cầu, chỉ sau 1 cuộc điện thoại đã có người mang tiền đến tận nơi cho vay mà không cần bất cứ tài sản nào thế chấp, tiền trao nhanh, giấy tờ chủ yếu là những mảnh giấy biên nhận viết tay, ghi số tiền và số lãi thỏa thuận, kèm theo giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe của người vay.
Nếu như đến ngân hàng, để vay được khoản tiền, người vay phải đáp ứng rất nhiều điều kiện về thủ tục giấy tờ, chứng minh khả năng chi trả, thì đến với “tín dụng đen”, mọi thủ tục đều trở nên đơn giản. Cứ như vậy, những hệ lụy do vướng vào “tín dụng đen” vẫn còn dai dẳng.
Hai năm trước, chị N. từng là nạn nhân của hoạt động cho vay lãi nặng, suốt một thời gian dài, chị luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Vay 20 triệu đồng từ một một cơ sở “hỗ trợ tài chính”, chỉ cần để lại CMND và sổ hộ khẩu, lãi suất 8.000đ/triệu/ngày, cứ 10 ngày chị N. phải trả lãi cho chủ nợ số tiền 1.600.000đ, mỗi tháng 4.800.000 đồng. Sau gần 1 năm, số tiền lãi chị phải trả là hơn 50 triệu đồng và tiền gốc vẫn là 20 triệu.
Khoảng 1 năm sau, chị N. xin trả gốc thì các đối tượng không đồng ý, yêu cầu phải trả cả gốc và đủ lãi phát sinh thêm mới cho trả tiền gốc. Chị N. cho biết: Lúc đầu nộp lãi đều không có vấn đề gì, sau đấy chị bị tai nạn, đi viện, có chậm lãi khoảng 10 ngày thì nhóm người cho vay họ đến nhà đưa chồng chị đi đến quầy của các đối tượng, sau đó hạ cửa xuống rồi hành hung chồng chị, lúc sau dọa ép bắt giấy nợ tiền lên thành 25 triệu đồng, sau đó lấy chậu nước, rồi dúi đầu chồng chị xuống chậu nước…
Cùng với hoạt động “tín dụng đen”, đáng lo ngại nhất đó là việc phát sinh các hành vi trái pháp luật liên quan đến hoạt động đòi nợ, như: cướp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… Khi người vay không có khả năng trả nợ, sẽ hình thành các đối tượng đòi nợ thuê bất hợp pháp. Các đối tượng có hành vi đe dọa, hành hung, siết nợ, bạo lực, đây là mầm mống của việc mất an ninh trật tự.
Đại úy Bàn Phúc Minh, Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong thời gian vừa qua, qua công tác nắm tình hình địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nổi lên một số hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức bốc bát, đảo bát… các đối tượng móc nối với nhau hình thành có tổ chức, đối tượng cầm đầu tuyển chọn đàn em giúp việc là những thành phần bất hảo, có tiền án tiền sự…
Các bị hại khi vay tiền thì lo sợ ảnh hưởng đến công tác, công việc hoặc trả thù nên không dám trình báo cơ quan Công an, gây khó khăn trong công tác điều tra của Công an…
Một đường dây chuyên cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vừa được triệt phá. Qua công tác nắm tình hình, ngày 26-5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ có dấu hiệu cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đối với Lê Cao Huân (31 tuổi, trú tại xã Tràng xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) và Lê Thị Hồng Điệp (41 tuổi, trú tại tổ 8, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn).
Các đối tượng này thuê nhà làm địa điểm hoạt động tại phường Phùng Chí Kiên, phường Sông Cầu, phường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Bắc Kạn, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể và xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn. Cơ quan điều tra đã xác định được khoảng 60 người vay tiền của nhóm đối tượng này với mức lãi suất từ 3.000đ đến 15.000đ 1 triệu đồng/ngày, tương ứng với lãi suất từ 110% đến 550%/năm.
Trước những tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng trên cùng đồng phạm về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và đang tiếp tục điều tra làm rõ để sớm đưa các đối tượng xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo bà Trần Thị Kim Lân, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Kạn: Hệ thống pháp luật hiện nay, như Bộ luật Hình sự, Dân sự và các luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định chi tiết về thi hành cũng đã có nhiều quy định để làm căn cứ và giải quyết nạn “tín dụng đen”, như Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định về mức lãi suất cho vay, nếu có thỏa thuận không vượt quá 20%/năm, Bộ luật Hình sự có điều 201 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, điều luật này có 2 khung, khung tăng nặng cao nhất đối với loại tội này từ 6 tháng đến 3 năm tù giam, các chế tài này tuy đã có nghiêm khắc nhưng vẫn rất nhẹ so với loại tội này.
Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định lãi suất để làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính là không vượt quá 150% cũng chưa đồng bộ với các quy định hiện nay của BLHS và BLDS, do chế tài chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe và hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên hệ thống pháp luật hiện nay cần phải được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ và có sức nghiêm khắc, để có cơ sở vững chắc trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Để không bị mắc bẫy, khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến các tổ chức tín dụng ngân hàng, không ký giấy vay nợ để rồi mắc bẫy của các đối tượng chuyên hoạt động theo kiểu tín dụng đen, gây ra những hậu quả khôn lường cho chính bản thân mình và gia đình, xã hội.
Bà Đoàn Thị Hạnh, Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho biết: Khi có chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng nhà nước, với chức năng của mình, chúng tôi đã triển khai các chương trình qua các kênh như triển khai đến các ngân hàng thương mại với mục đích là làm thế nào các cơ chế chính sách đến gần với người dân nhất, và quan trọng nhất là giảm thủ tục hành chính, trong quá trình người dân đến tiếp cận với ngân hàng, với mục đích là làm sao đẩy được nguồn vốn của ngành ra, góp phần giảm thiểu “tín dụng đen”.
Chính quyền địa phương các cấp cần nêu cao trách nhiệm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là khu vực nông thôn, nơi mà người dân khó tiếp cận nguồn vốn hơn thành thị, mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi.
N.T
Đăng nhận xét