Sau Tết nguyên đán, người dân đổ xô đi dâng sao giải hạn ở nhiều ngôi chùa, đặc biệt là chùa Phúc Khánh, Hà Nội. niềm tin mù quáng của nhiều người dân đã tạo nên hình ảnh phản cảm, lộn xộn và xấu xí, làm mất đi sự trang nghiêm thanh tịnh trong những ngôi chùa vốn mang nét đẹp tâm linh.
Trước sự biến tướng của tục dâng sao giải hạn, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phải ký công văn gửi đến Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố khẳng định nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, không để xã hội hiểu sai về Phật giáo. Đó là một trong những nỗ lực cần thiết nhằm giúp người dân hiểu rõ và góp phần để tín ngưỡng tâm linh không bị biến tướng, không biến thành mê tín dị đoan hay nhằm trục lợi.
Không thể vui vẻ, an lạc khi có quá nhiều muộn phiền
Nói về lý do người dân chuộng cúng dâng sao giải hạn, Đại đức Thích Nguyên An trụ trì chùa Lục Nghĩa Trúc ở Thanh Hóa phân tích: “Người xưa cho rằng, mỗi người vào mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh, tất cả có 9 ngôi sao, cứ 9 năm lại luân phiên trở lại. Cùng một tuổi, cùng một năm nhưng đàn ông và đàn bà có sao chiếu mệnh khác nhau.
9 ngôi sao là các sao Thái Dương, sao Thái Âm, sao Mộc Đức, sao Vân Hán, sao Thổ Tú, sao Thái Bạch, sao Thuỷ Diệu, sao La Hầu, sao Kế Đô, thì có sao tốt và sao xấu. Quan niệm rằng năm nào gặp sao tốt thì mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió, buôn may bán đắt, tài lộc dồi dào, sức khoẻ an ninh, gia đình hạnh phúc, công việc hanh thông. Năm nào gặp sao xấu chiếu mệnh con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau bệnh tật ... gọi là vận hạn xui rủi.
Để hoá giải vận hạn, người ta thường cúng hay làm lễ dâng sao giải hạn để hoá giải vận xui. Với tâm lí lo lắng và đầy bất an, nhiều người đã xin làm lễ dâng sao giải hạn tại các chùa mà người dân tin tưởng vào đầu năm, hoặc hàng tháng để cầu xin Thần Sao phù hộ cho bản thân và gia đình đều được khoẻ mạnh bình an, vạn sự tốt lành. Theo quan niệm dân gian thì 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, từ đó việc cúng dâng sao phải phụ thuộc vào sao gì cúng vào ngày nào để đúng như truyền thừa từ cổ xưa”.
Nghi thức này không có trong Phật giáo, nhưng do nỗi sợ vô hình trong từng con người nên các chùa đã đáp ứng nhu cầu của người dân mà tổ chức cúng sao giải hạn, thậm chí là trục lợi từ việc làm này. Đại đức Thích Nguyên An lý giải, con người thường có nỗi sợ vô hình, nếu như tâm con người an lạc thì họ sẽ vui vẻ nhưng con người có chuyện buồn chuyện lo thì tâm họ sẽ bất an. Với nhiều người khi họ biết năm nay gặp được sao tốt họ mừng vui nhưng cũng với nhiều người, họ cho rằng năm nay mình rơi vào sao xấu thì sẽ lo lắng, điều đấy nhẹ thì lo buồn thoáng qua, nặng thì tâm lí đứng ngồi không yên.
Nếu được đi dâng sao giải hạn thì ít nhất cũng giải quyết về mặt tâm lí, tâm họ sẽ cảm thấy bình an trở lại. Họ nghĩ như thế, họ sẽ có niềm tin hạn nặng thành hạn nhẹ, hạn nhẹ được hóa giải. Về mặt hình thức thì coi như tìm được sự thanh thản. Nhà chùa là nơi con người tìm đến sự thanh tịnh, an lạc. Người xuất gia, nhà tu hành cũng có trách nhiệm giúp cho con người sống tốt đời đẹp đạo, sống khoẻ, sống vui, sống có ích.
Người ta không thể an lạc vui vẻ khi có nỗi lo lắng phiền muộn canh cánh trong lòng, nên nhà chùa hay có khoá lễ cầu bình an vào dịp đầu năm. Với nhiều chùa người ta không gọi là dâng sao giải hạn mà là cầu bình an để được sự gia trì của chư Phật, Bồ Tát. Tuy nhiên, sự việc này không nên để biến tướng thành mê tín dị đoan, hay có yếu tố ảnh hưởng của kim tiền.
Tránh hiểu sai lệch về nghi lễ cầu an
Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, cầu nguyện là bản năng của con người, là khuynh hướng chủ đạo của tất cả các tôn giáo từ thủa sơ khai. Phật giáo là một tôn giáo lớn của nhân loại cũng như tất cả các tôn giáo và niềm tin tín ngưỡng khác có chức năng là chỗ dựa tinh thần tâm linh cho con người.
Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh.
Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hoà nhập với Phật giáo trong Tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo). Phật giáo đã tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chánh pháp. Do đó Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni và các chư vị lãnh đạo Giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an.
Sư cụ Thích Thanh Ninh, chùa Quán Sứ, Hà Nội cho rằng, dâng sao giải hạn có ở Việt Nam từ thời cổ xưa và không có ở trong Phật giáo. Còn bảo dâng sao có trong Lão giáo thì cũng chưa có tài liệu nào chứng minh, cũng không có trong Nho giáo, Đạo Mẫu. Lễ về sao người ta gọi là nhương tinh (tên khoa cúng về sao), vùng Giao Chỉ Bách Việt thì người ta dịch nôm na là lễ sao, hay còn gọi là lễ nhương tinh, còn tên gọi nữa là lễ giải hạn. Lễ về sao có hai cái khoa văn và khoa cúng, văn sớ về sao.
Công văn của Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an. |
Trong cộng đồng người có quá nhiều hoạn nạn, có quá nhiều việc không như ý muốn, hoặc nhìn xung quanh và bản thân có quá nhiều nguy hiểm rình rập. Hoạn nạn diễn ra trong quá khứ, trong hiện tại và luôn luôn sợ cả tương lai nữa cho nên người ta phải phòng bị, phải lo toan chồng chất. Thế nên người ta nghe thấy thông tin chỗ này chỗ kia giải hạn, dâng sao nên tìm đến. Nhưng muốn tâm mình an lạc thì trước hết phải tâm thanh lòng tịnh, không có nhiều ham muốn và dục vọng, không bị chi phối bởi vật chất xa hoa hay lạc thú tầm thường.
Sư cụ Thích Thanh Ninh cũng cho rằng, những ngôi sao tượng trưng cho những đốm sáng ở trên bầu trời. Tất cả những đốm sáng ấy người ta tìm một cái tên gọi, mỗi cộng đồng có tên gọi khác nhau. Trong tiếng Hán, chữ “tinh” có nghĩa là sao, chữ “tú” cũng có nghĩa là sao. Sao cũng là tinh tú. Những đốm sáng mà người ta gọi là sao ở trên trời, người cổ xưa quan sát và lập ra quy ước. Tất cả những sao La Hầu, Kế Đô, Thái Dương, Thái Âm, Thổ Tú, Vân Hớn... do con người ta đặt tên chứ không phải một tổ chức nào hay một tôn giáo nào dựng nên cả.
Người thượng cổ đặt tên các vì sao ứng vào năm tuổi. Người ta hay có câu “Nam La Hầu, nữ Kế Đô” là hai sao xấu với thiện nam và thiện nữ. Hay câu: “Thái Bạch hết sạch cửa nhà”. Nhưng, thực chất chuyện nam La Hầu, nữ Kế Đô, hay Thái Bạch thì hết sạch cửa nhà thực tế nào chứng minh? Người ta bảo sao này xấu, thực tế đã ai chứng minh đâu?
Dẫu có thực tế xảy ra thì cũng chỉ là với một vài trường hợp cụ thể, nào đâu có thể cho đó là điển hình. Nhiều khi là thần hồn nát thần tính, mua cái lo lắng buộc vào mình. Cứ sống đúng, sống thật, mọi chuyện tuỳ duyên như theo tinh thần Phật giáo, và từ bi, hỉ xả, thì cũng sẽ xả được cái tâm không chấp trước, tâm không phiền não.
Việc dâng sao giải hạn có thể giúp con người giải được nỗi sợ ám ảnh, họ tìm được nơi để đặt niềm tin vào đó và tự cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, cũng như khẳng định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người dân đã hiểu sai lệch về nghi lễ này.
Sư cụ Thích Thanh Ninh cũng khẳng định: “Ngày xưa cúng dâng sao giải hạn không có ở trong chùa, nó là một tín ngưỡng, một phong tục tập quán trong dân gian. Một người bị bệnh tật, hay bị chuyện này chuyện kia vậy thì họ phải chống chọi, có bệnh thì phải vái tứ phương. Người ta chạy đến nhà chùa đề nghị: “Xin giúp tôi với, tôi đang gặp hoạn nạn”, người xuất gia phải trấn an họ, việc cầu bình an cho mọi người là một việc làm tốt đẹp, nhưng làm và tổ chức làm sao không để biến tướng thành việc mua bán, đổi chác mà vẫn giữ được nét đẹp văn hoá tâm linh, để các Phật tử đến cửa chùa thấy lòng được thanh thản, thân tâm được nhẹ nhõm”.
ST
Đăng nhận xét