Thời gian qua, mọi người đã chứng kiến nhiều hình ảnh một biển người chen chúc trước các ngôi chùa để dâng sao giải hạn trong dịp tháng Giêng không phải là một cái gì quá xa lạ. Thế nhưng, khi sự việc ấy diễn liên tục được lặp đi lặp lại trong nhiều năm, rõ ràng đó là một hiện tượng xã hội không bình thường.

Về bản chất, dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ Đạo giáo của Trung Hoa và trong giáo lý nhà Phật hoàn toàn không có tục dâng sao. Phật giáo chỉ có lễ cầu an, để con người thành tâm sám hối, bỏ ác làm lành, phát nguyện công đức và rộng hơn, cầu cho cho quốc thái dân an, nhà nhà được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn; Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Trưởng ban Phật giáo quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày, tháng đẹp, xấu trong năm. Việc người dân cúng sao giải hạn đầu năm xuất phát từ vấn đề tâm lý cá nhân, rồi dần hình thành quan niệm không đúng, thậm chí là mê muội.


Hoà thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng lý giải, cúng sao giải hạn không phải là tín ngưỡng Phật giáo nhưng nhiều người lại đặt niềm tin vào việc này. Nhà chùa mong mỏi người dân thành tâm làm việc thiện, đó mới thật sự là việc làm tạo phúc lộc cho mình.
Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng thẳng thắn cho rằng, quan niệm cúng sao giải hạn mà nhiều người đang tiến hành thể hiện sự ngộ nhận. Thay vì dâng sao giải hạn, không gì tốt hơn bằng việc ứng xử tốt với tất cả mọi người, quan tâm tới thiện tâm, xây dựng cho mình nhận thức đúng, làm việc thiện thì tự nhiên tinh thần thanh thản. Phải xây dựng lối sống lành mạnh trong cả nền tảng vật chất cũng như tinh thần thì cuộc sống sẽ tốt hơn.

Để được đăng ký dâng sao giải hạn người dân đã phải bỏ ra một số tiền để đăng ký được nhà chùa làm lễ cúng dâng sao giải hạn và đương nhiên nhà chùa lúc này sẽ làm dịch vụ tâm linh theo nhu cầu của người dân về cầu an, dâng sao giải hạn mà đã là dịch vụ rồi thì phải theo quy luật cung cầu, theo kinh tế thị trường và hiệu quả đến đâu thì không ai có thể biết hoặc khẳng định được. Chỉ biết trước mắt là người dân tốn kém về kinh tế (bỏ ra một ít tiền để mua sự an ủi cho bản thân mình), thời gian chờ đợi để đăng ký và tham gia lễ cúng sao, bên cạnh đó cũng kéo theo bao nhiêu người khác phải phục vụ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người khác (như việc cúng sao giải hạn ở Chùa Phúc Khánh – Hà Nội, người đi cúng sao đã ngồi tràn hết cả vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân và các phương tiện xung quanh đồng thời lực lượng Công an phải tăng cường ra địa điểm trên để điều tiết bảo đảm an ninh, trật tự và trật tự an toàn giao thông…).
Do vậy đã đến lúc người dân phải nhìn nhận lại mọi việc phúc hay họa đều do mình tạo ra mà thôi, làm việc thiện sẽ gặp điều lành, làm việc ác gặp quả báo. Cúng giải hạn chỉ là nhu cầu tâm linh để lòng được bình an. Đồng thời các cơ quan truyền thông cần phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và những người đứng đầu trong Giáo hội phật giáo cũng phải khẳng định và nói rõ việc cúng sao giải hạn là không có trong giáo lý nhà Phật và yêu cầu các cư sĩ phật giáo không tiếp tay cho mê tín như các tập tục cúng sao, tổ chức xin xăm, cúng sao, xem tướng, xem ngày giờ tốt xấu. Việc này cần phải bị cấm.



Đăng nhận xét

 
Top