Dự thảo Báo cáo Chính
trị tại Đại hội 13 của Đảng xin ý kiến Đại hội Đảng các cấp hiện nay có nhiều
điểm mới so với Đại hội XII. Trong đó, 1 trong 5 kinh nghiệm được chỉ ra trong
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội 13 là kinh nghiệm về nhận thức và phát huy
vai trò của dân: Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là
gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới… Đây được xem là
kinh nghiệm mới so với Đại hội XII.
Làm rõ hơn
về vấn đề này, trao đổi với phóng viên VOV.VN, GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ
tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ phó thường trực Tổ biên tập
Văn kiện Đại hội XIII cho biết, về vai trò của nhân dân, từ trước đến nay Đảng
ta đều nhất quán trên nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu
trời không gì quý hơn nhân dân. Trong thế giới không gì quý bằng lực lượng đoàn
kết của nhân dân”.
Thực tiễn
hơn 30 năm đổi mới cho thấy nhân dân chính là lực lượng tạo nên tầm vóc của
công cuộc đổi mới. Chính vì vậy, tại Đại hội 13 của Đảng tiếp tục quán triệt
quan điểm “Dân là gốc" để tập trung chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời
sống, lợi ích thiết thực của nhân dân.
“Gần đây, Đảng ta
luôn nhấn mạnh trong Nghị quyết, đặt nhân dân là trung tâm của chiến lược phát
triển, là chủ thể, đây là nét mới. Mới ở chỗ nó kế thừa và hoàn thiện tư tưởng
nhất quán của Đảng ta”- GS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Theo Tổ
phó Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội 13, trong dự thảo Báo cáo Chính
trị lần này tiếp tục nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy chế
dân chủ cơ sở, không chỉ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà bổ sung
thêm nét mới là “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Muốn yếu tố này trở thành sức
mạnh thật thì phải phát huy được vai trò của nhân dân trong giám sát các hoạt
động của tổ chức Đảng, Nhà nước, các hoạt động của cán bộ, đảng viên và nhất là
nhân dân phải là người thụ hưởng những gì mà họ đã làm ra.
Lâu nay, về mặt
chủ trương đều nói dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dựa vào dân để lựa
chọn cán bộ. Thực tiễn thời gian qua chúng ta đã có những cơ chế nhằm phát huy
sức mạnh của nhân dân trong chọn lựa nhân sự như lấy ý kiến của người dân nơi
cư trú, ở tổ chức, đơn vị nơi cán bộ làm việc; hay việc yêu cầu cán bộ lãnh
đạo, đặc biệt là người đứng đầu định kỳ đối thoại với dân, có nơi cán bộ tự phê
bình trước dân hay việc đề cao vai trò của Quốc hội trong việc giám sát lời hứa
của đại biểu trước cử tri, hay cơ chế bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm cán bộ dân
cử... Tất cả những việc đó góp phần làm cho tiếng nói của người dân đối với quá
trình xây dựng cán bộ được tốt hơn lên.
Song, theo GS Phùng
Hữu Phú, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng cần thẳng thắn nhìn nhận trong
thực tế, có lúc, có nơi việc lấy ý kiến còn sơ sài, hình thức, quy mô, đối
tượng lấy ý kiến còn hẹp.
Từ những
bài học kinh nghiệm đã làm được và chưa làm được từ nhiệm kỳ trước, lần này
Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh việc mở rộng diện lấy ý kiến của nhân dân trong quá
trình giám sát xây dựng Đảng nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ nói riêng.
Đặc biệt, trong dự thảo Văn kiện nhấn mạnh việc phải có cơ chế tạo điều kiện
cho nhân dân thật sự tham gia vào quá trình xây dựng, giám sát đội ngũ cán bộ.
Theo vị
Giáo sư, muốn chọn được cán bộ có đức, có tài vào bộ máy thì không gì tốt hơn
bằng việc lắng nghe ý kiến của nhân dân. Bởi vì cán bộ ở trong lòng dân nên cái
gì người dân cũng biết, vấn đề là phải tổ chức thế nào để lấy được ý kiến thật
sự của họ.
“Dân thông
qua mọi mối quan hệ nên họ biết hết. Người dân biết cán bộ nào tham nhũng, cán
bộ có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà, biết lắng nghe dân sẽ kể cho nghe. Tất
nhiên không phải tất cả ý kiến đều chính xác nhưng cơ bản là nếu chúng ta biết
lắng nghe, biết phân tích thì sẽ hiểu cán bộ đầy đủ hơn” – GS Phùng Hữu Phú
nhấn mạnh.
Theo
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện
Chính trị khu vực IV, bản chất của chế độ ta là của dân, do dân và vì dân, cho
nên nhân dân bao giờ cũng là trung tâm của văn kiện Đại hội. Tiếp tục quán
triệt chủ trương này, ông tin Đại hội 13 của Đảng sẽ có cơ chế mới nhằm phát
huy vai trò làm chủ của nhân dân, trong đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn
dân tộc, đoàn kết giữa Đảng-chính quyền- nhân dân, đoàn kết trong nội bộ nhân
dân, đoàn kết giữa người trong nước và ngoài nước...
Trở lại với bài học
lắng nghe dân để lựa chọn cán bộ, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đây là kênh
thông tin quan trọng để nhận diện, phát hiện cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhận
diện cán bộ, đảng viên có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu
lợi bất chính... Qua phản ánh của người dân, cấp ủy các cấp có thêm thông tin để
phân tích, sàng lọc, từ đó không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng
tiêu chuẩn. Trong đó, lựa chọn người đứng đầu phải là những người được nhân dân
tín nhiệm, phải mang lại lợi ích cho nhân dân, không quan liêu, xa rời quần
chúng.
“Đảng có
quy định đảng viên ngoài việc tham gia sinh hoạt tại đơn vị thì phải tham gia
sinh hoạt với quần chúng nhân dân ở cơ sở. Song, phải thẳng thắn thừa nhận, có
nơi, có chỗ còn xem thường ý kiến của dân, không xuất phát từ lợi ích của nhân
dân thì phần lớn thất bại, phần lớn cán bộ thoái hóa, biến chất, hư hỏng, xa
rời quần chúng dân và bản thân cán bộ đó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chỉ
vì lợi ích cục bộ, kèn cựa, chạy chọt. Đó là bài học lớn và chắc chắn kỳ tới
chúng ta sẽ phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế để kiểm soát” – ông Nguyễn Quốc
Dũng nói và nhấn mạnh trong nhiệm kỳ Đại hội 12, Bộ Chính trị đã ban hành Quy
định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy
quyền.
Theo đó
cần phải sớm đưa Quy định vào cuộc sống, kiểm soát quyền lực bằng nhiều thành
phần, nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là phải kiểm soát quyền lực của người đứng
đầu, khắc phục được những vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ tồn tại nhiều
nhiệm kỳ qua./.
Đăng nhận xét