Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 13/6/2020 kết thúc với rất nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Nhiều đại biểu Quốc hội đều ấn tượng với “kỳ tích” chống dịch của Việt Nam.

Chia sẻ trước Quốc hội về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19), đã dành rất nhiều thời gian để chia sẻ về quãng đường chống dịch đầy khó khăn thời gian qua.
Phó thủ tướng cho biết Việt Nam với dân số gần 100 triệu người nhưng chỉ có 333 ca nhiễm, chưa ca nào tử vong và đã qua gần 2 tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng. “Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước nhiều nước”, Phó thủ tướng nói.
Ông khẳng định thành công trong phòng, chống đại dịch là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ thầy thuốc, quân đội, công an và các lực lượng khác. Đặc biệt, bạn bè thế giới đều nhận định nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân của thành công, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ngay từ đầu khi vừa nhem nhóm có bệnh xuất hiện ở Trung Quốc và chưa được đặt tên dịch bệnh thì Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo ngành y tế tham vấn các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch chống dịch căn cơ, bài bản.
Việt Nam cũng là nước đưa ra những giải pháp sớm và cao hơn một bước so với khuyến nghị. Khi WHO đánh giá dịch “lây nhiễm hạn chế” thì Việt Nam đưa lên “lây nhiễm”. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng khai báo bắt buộc đối với người nhập cảnh.
“Nhiều giải pháp ta làm ban đầu bạn bè quốc tế có người nghi ngờ, có người tranh luận nhưng sau đều đánh giá giải pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất cương quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất, vì chi phí chữa bệnh của ta rất thấp”, ông Đam nói.
Trên diễn đàn Quốc hội, ông thay mặt ngành y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả người dân và các lực lượng. Không chỉ hàng nghìn thầy thuốc không có đêm, không có ngày, mà còn có những người lội rừng chống dịch, có người xa vợ mới cưới, xa con mới sinh.
Không chỉ hàng nghìn chiến sĩ nằm rừng canh lối mòn, nhường giường cho người dân từ mùa đông gió rét đến hôm nóng không ngủ được dọc tuyến biên giới, mà còn bao nhiêu cụ già, trẻ em mang rau, gạo, bỏ tiền tiết kiệm gửi quỹ chống dịch; còn hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp dù rất khó khăn nhưng không sa thải nhân viên, cố trả lương dù không có doanh thu hoặc giảm doanh thu; nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, kinh phí chống dịch.

“Có rất nhiều lời động viên gửi tới lực lượng chống dịch. Khi tôi tiếp xúc với các bác sĩ và anh em rất cảm động, bảo nhau chúng ta không có điều kiện cảm ơn tới từng người thì lời cảm ơn tốt nhất là quyết tâm giữ thành quả chống dịch. Và đến giờ phút này giữ được rất tốt”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Tuy vậy, theo Phó thủ tướng, nguy cơ dịch bệnh với nước ta vẫn còn rất lớn. Ông ví Việt Nam như "cánh đồng trũng", nước ngoài sông cao hơn nhiều và trời tiếp tục mưa. Vì vậy, ta buộc phải giữ nhưng cũng không đóng cửa một cách cực đoan, mà phải thực hiện “mục tiêu kép”.
“Nhân dân Việt Nam mỗi khi đất nước đứng trước thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, cùng giá trị tốt đẹp mấy nghìn năm văn hiến bùng lên, giúp chúng ta chiến thắng nhiều cuộc chiến vệ quốc và cuộc chiến chống giặc Covid-19”, Phó thủ tướng nhận định.
Ông mong tinh thần đó tiếp tục được khơi dậy, nhân lên để tranh thủ cơ hội, thời cơ, cải thiện vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và trên các lĩnh vực.
Nhắc lại tinh thần được Thủ tướng xác định là “không ai bị bỏ lại phía sau”, càng yếu thế càng cần được chú ý, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã có nhiều chính sách lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được ban hành.
Ông mong tư tưởng đó tiếp tục được thúc đẩy, để không chỉ phát triển kinh tế mà còn phát triển về văn hoá, xã hội ở vùng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. “Chính sách giúp người yếu thế phải đến lúc chú trọng nhiều hơn nữa”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Thực tế chóng dịch vừa qua, ông cho biết chúng ta đã chú ý nơi khó khăn nhất là vùng biên giới và giành được thắng lợi. Ngay trong thực hiện chính sách hết sức nhân đạo, nhân văn là từng bước đưa người Việt Nam về cũng định ra đối tượng khó khăn nhất, dễ tổn thương nhất đưa về trước.
Bên cạnh đó, tất cả bệnh nhân người nước ngoài cơ bản được chữa khỏi. Theo Phó thủ tướng, chúng ta may mắn vì chưa vào thế phải lựa chọn ưu tiên chữa cho ai, nhưng giả sử có thì Việt Nam nhất định không chỉ vì người Việt Nam mà không chăm lo cho người nước ngoài.

Đăng nhận xét

 
Top