Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Kelly Craft mới đây đã gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres để phản đối công hàm của Trung Quốc nêu ra những yêu sách của nước này trên Biển Đông.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục đưa ra những yêu sách nghiêm trọng và gây bất ổn được thiết kế để mở rộng khu vực hàng hải của họ ở Biển Đông. Mỹ sẽ không bao giờ ngừng chú ý đến những tuyên bố không thể chấp nhận này và công hàm nêu quan điểm của chúng tôi cho cả thế giới thấy”, Washington Times dẫn lời bà Craft.
Bà Craft nói với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong bức công hàm đề ngày 01/6/2020 rằng Bắc Kinh phải sửa chữa những hành động bất hợp pháp trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc

Cụ thể, Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “các quyền lịch sử” trên Biển Đông vì yêu sách này vượt quá những quyền trên biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi dựa trên luật quốc tế như được phản ánh trong UNLOS 1982.
Công hàm này được gửi đi để đáp lại công hàm của Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 12/2019 đưa ra những tuyên bố mơ hồ về cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông  tuyến đường thủy chiến lược quan trọng bậc nhất trên thế giới.
Trong Công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019 do Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nước này tuyên bố chủ quyền với tất cả các đảo ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Đông Sa (Paratas), quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bắc Kinh cũng đòi quyền kiểm soát đối với tất cả các vùng biển ở Biển Đông nằm trong tuyên bố chủ quyền phi lý của họ với đầy đủ vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải.
Bà Craft lưu ý rằng Tòa trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết hồi năm 2016 khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. “Phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc với Trung Quốc và Philippines”, bà nói.
Mỹ cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về việc kiểm soát vùng biển như là vùng nội thủy dựa trên việc coi các nhóm đảo và rạn san hô như là lãnh thổ và qua đó có được chủ quyền xung quanh các thực thể này.

Bà Craft thách thức việc Trung Quốc đòi chủ quyền dựa trên những cấu trúc chìm hoàn toàn như bãi Macclesfield hay James Shoal, hay các cấu trúc như đá Vành Khăn hay Cỏ Mây, với tình trạng tự nhiên là chúng chỉ nổi khi thủy triều thấp, nên không được hưởng vùng lãnh hải hợp pháp. Những cấu trúc đó không tạo thành một phần lãnh thổ của một quốc gia về pháp lý, nghĩa là chúng không thể có lãnh hải hay các khu vực hàng hải khác theo định nghĩa của luật quốc tế.
Theo bà Craft, Trung Quốc đang sử dụng các yêu sách biển bất hợp pháp của mình để hạn chế các quyền tự do trên biển và trên không đối với vùng biển và không phận quốc tế.
Khía cạnh pháp lý
Nhìn vào nội dung công hàm của Mỹ gửi lên Liên Hợp Quốc, có thể nhận thấy rõ những từ ngữ như: luật pháp quốc tế, Luật Biển, UNCLOS 1982… được nhấn mạnh. Đáng chú ý, trong một thông báo trên Twitter ngày 02/6/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết: “Hôm nay, Mỹ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên phải đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển”.
Ngoại trưởng Mỹ đăng kèm Công hàm do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft gửi lên Tổng thư ký Antonio Guterres.
Như vậy ông Pompeo tiếp tục nhấn sâu hơn vào chi tiết Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và việc một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phê phán hành vi của Trung Quốc là “phi pháp” có vẻ nặng hơn so với cụm từ “yêu sách quá mức” - thường được Washington dành để lên án Bắc Kinh.
Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai luật pháp quốc tế để theo đuổi mục đích riêng và Mỹ đã sẵn sàng nói lý để đập tan luận điệu của Bắc Kinh. Công hàm của phía Mỹ dường như còn nhằm khuyến khích các nước liên quan Biển Đông sẽ sử dụng các phương thức pháp lý trước những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Khía cạnh ngoại giao
Theo đánh giá của giới quan sát, công hàm của Mỹ hướng tới việc giải thích vấn đề theo luật pháp quốc tế và bên cạnh đó còn nhằm củng cố cho những phản ứng ngoại giao.
Mỹ đã sử dụng hình thức công hàm để đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu chuyển công hàm này không chỉ tới các nước thành viên Đại Hội đồng mà cả tới Hội đồng bảo an. Bước đi này cho thấy Mỹ nhận định các yêu sách của Trung Quốc là quá đáng, không phù hợp luật quốc tế và có thể đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Vì vậy, Mỹ với tư cách một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an có trách nhiệm đưa vấn đề vào chương trình nghị sự khi cần thiết.
Nó có thể là bước đi đầu tiên trong việc mở đường cho hàng loạt biện pháp cần thiết, phối hợp cùng các nước khác chống lại những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Công hàm của Mỹ cũng hoàn toàn có thể sẽ kéo theo phản ứng tương tự của các nước khác để bảo vệ quyền tự do biển cả của mình./.


Đăng nhận xét

 
Top