Sáng ngày 18/11/2020, tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020).
Phát
biểu tại buổi lễ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đoàn
kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc
ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước
và giữ nước của nhân dân ta. Do đó, 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt
trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu
nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức
mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi
này đến thắng lợi khác.
Tổng
bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định, kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ
thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng thể hiện rất rõ và thực
hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích
tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và
hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để
hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Theo
Tổng bí thư, Chủ tịch nước, với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng
của Đảng và dân tộc, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã 2 lần vinh dự được
trao tặng Huân chương Sao vàng. Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ
rõ, cần thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế và điều quan trọng nhất
là cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
Tổng
bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát
huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân.
Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi
ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa kịp thời được thể chế
hoá, hoặc đã thể chế hoá nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc.
Bên
cạnh đó, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nơi
chưa sâu sát; còn có biểu hiện hành chính hoá, chưa thiết thực, hiệu quả. Sự
đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa theo kịp yêu cầu của tình hình
mới; công tác giám sát, phản biển xã hội còn hạn chế.
Khẳng
định qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được
cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay, song Tổng bí thư, Chủ tịch nước
cũng nhấn mạnh, còn những thách thức rất lớn. Đặc biệt là tình trạng suy thoái
về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn
biến", "tự chuyển hoá" của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ
quan liêu, tham nhũng, lãng phí là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến
niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tác
động đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ
đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị trong giai đoạn mới, Mặt trận cần
thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp
với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo
của mọi tầng lớp nhân dân, triển khai sâu rộng và có hiệu quả các cuộc vận
động, phong trào thi đua yêu nước.
Tổng
bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt hơn nữa
vai trò giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, Tổng
bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu Mặt trận cần tiếp tục đổi mới nội dung và
phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật sự thiết
thực, hiệu quả; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên
chức Nhà nước về phong cách dân vận; đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên
truyền, giáo dục,
vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách,
pháp luật của Nhà nước; không mị dân.
Tổng
bí thư, Chủ tịch nước cũng đặc biệt lưu ý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp
tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng,
xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội,
chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn và động viên nhân dân
tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Đăng nhận xét