Ngày 16 và 17/11/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề: “Duy trì Hoà bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Hội Luật gia Việt Nam, Học viên Ngoại giao và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền -
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nêu rõ: “Ra đời từ năm 1955, Hội Luật gia Việt
Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp quy tụ các luật gia trên lãnh
thổ Việt Nam, có nguyện vọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và
bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Hội Luật gia đã đồng hành cùng dân
tộc Việt Nam trong nhiều thăng trầm của lịch sử, có nhiều đóng góp quan trọng
cho việc xây dựng, chỉnh lý và phát triển pháp luật trong nước. Những năm gần
đây, Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu hơn với quốc tế, mong muốn trở thành thành
viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Để thành công, Việt Nam rất cần học tập
kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực lập pháp và thực thi pháp luật, đồng thời
điều chỉnh, phát triển luật quốc gia theo hướng hài hoà với luật quốc tế".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, trước những thách thức đến từ các diễn
biến trên Biển Đông, Hội Luật gia Việt Nam đã kết hợp cùng Học viện Ngoại giao
và Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông tổ chức các hội thảo Biển Đông để làm cầu
nối giữa các học giả, nghiên cứu trong lĩnh vực luật biển.
Phát biểu trong lễ khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi
Thanh Sơn đã đánh giá cao nỗ lực của Học viện Ngoại giao, Hội Luật gia Việt Nam
và Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông tổ chức sự kiện này suốt 12 năm qua, kể cả
khi việc đi lại quốc tế không thuận lợi do đại dịch Covid-19, tiếp tục đưa
chuỗi Hội thảo quốc tế này thành nơi gặp gỡ quan trọng hàng đầu để thảo luận về
hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.
Tại phiên thảo luận của ngày 16/11/2020, nhiều ý kiến cho
rằng, tuy khó tìm được mối liên hệ trực tiếp giữa đại dịch Covid-19 và diễn
biến căng thẳng trên Biển Đông, song Covid-19 làm cho quan hệ giữa các nước lớn
xấu đi ở Biển Đông, nhất là quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung.
Một số đại biểu nhận định, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình Covid-19 để
gia tăng nhịp độ hoạt động trên thực địa, mở rộng kiểm soát trên Biển Đông và
cố ý va chạm với nhiều nước. Các mục tiêu cơ bản của Trung Quốc ở Biển Đông
không thay đổi và gần đây Trung Quốc đẩy mạnh “lập trường quan điểm” của nước
này trên khắp thế giới, gây nên phản ứng mạnh mẽ của chính phủ và người dân ở
nhiều nước.
Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các hoạt động quân sự và
tự do hàng hải; tỏ thái độ cứng rắn hơn trên mặt trận ngoại giao, pháp lý, phản
đối trực diện yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Lập trường này phản ánh xu
hướng chính sách chung của chính quyền Mỹ theo hướng ngày càng cứng rắn hơn với
Trung Quốc. Chính sách Biển Đông của Mỹ về cơ bản đã định hình rõ nét hơn dưới
thời Tổng thống Trump nên chính quyền sắp tới sẽ ít khả năng có điều chỉnh lớn
về chiến lược.
Các đại biểu cũng nhìn nhận, các nước ASEAN nhìn chung phản ứng kiềm chế
để không làm căng thẳng ở Biển Đông vượt ngoài tầm kiểm soát, đồng thời tập
trung ứng phó với đại dịch Covid-19, duy trì chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế
trong nước. Tuy nhiên, nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia vẫn kiên quyết phản
đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
ASEAN tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của ASEAN
để giữ được vị thế trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay
gắt, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển trên cơ sở của luật pháp quốc tế,
trong đó UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên các vùng biển và
đại dương.
Nhiều diễn giả Châu Âu khẳng định, việc EU quan tâm và
hiện diện nhiều hơn ở Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng trong thời gian
gần đây thông qua tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN và các nước Đông
Nam Á vì muốn bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế, tự do thương mại và trật tự
dựa trên luật lệ trong khu vực. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, có học giả quốc tế
lại cho rằng sự “can thiệp” của các nước Châu Âu không phải là nước ven
Biển Đông lại có thể khiến tình hình phức tạp hơn.
Về cuộc “tranh luận” bằng công hàm tại Liên Hợp Quốc trong vấn đề Biển
Đông và tác động tới tương lai của tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển
Đông (COC), các học giả khẳng định, UNCLOS 1982 có giá trị phổ quát và toàn
diện, phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề trên biển. Công hàm của các nước đều
trực tiếp và gián tiếp đề cập tới Phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện
Biển Đông năm 2016 của Philipines, phản đối tất cả các yêu sách vùng biển phi
lí của Trung Quốc. Uỷ ban ranh giới thềm lục địa đã trở thành nơi lưu giữ chính
thức tất cả các công hàm, công thư phản đối các yêu sách vùng biển thái quá của
Trung Quốc ở Biển Đông.
Nguy cơ xảy ra đụng độ trên biển thời gian tới ngày càng
lớn do cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng. Do vậy, trong các phiên họp ngày 17/11,
các học giả đề xuất một số khuyến nghị cho các nước liên quan nhằm phòng tránh
đụng độ, giảm thiểu rủi ro như nghiêm chỉnh tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc
về Luật biển UNCLOS 1982, các nước gia nhập các điều ước, thoả thuận quốc tế
nhằm giảm thiểu rủi ro trên biển như COLREG, SUA and SOLAS. Từ năm 2016, Trung
Quốc và ASEAN đã ra tuyên bố chung về Quy tắc phòng tránh đụng độ trên biển
(CUES). Tuy nhiên, đến nay CUES vẫn là bộ quy tắc tự nguyện và chỉ áp dụng cho
các lực lượng hải quân. Do vậy, học giả Úc đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng CUES
cho cả các lực lượng cảnh sát biển, chấp pháp dân sự trên biển.
Trong các vấn đề đánh bắt cá, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa
học biển, và phát triển kinh tế biển bền vững, các đại biểu tham dự cũng cho
rằng đây là những lĩnh vực cần được các nước quan tâm chú ý do đây là các lĩnh
vực hợp tác đầy tiềm năng, có hiệu quả thực tiễn, cho thấy thiện chí hợp tác
của các nước nhằm làm giảm căng thẳng, đóng góp vào quá trình xây dựng lòng tin
tại khu vực./.
Đăng nhận xét