Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1, với kỳ vọng sẽ có được các thế hệ học sinh phát triển toàn diện cả về trí tuệ, năng lực, thể chất, phẩm chất đạo đức, hướng đến là những “công dân toàn cầu” trong tương lai, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.



Một trong những trụ cột quan trọng, quyết định sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới chính là sách giáo khoa (SGK). Tuy nhiên, ngay đầu năm học, dư luận người dân cả nước đã không khỏi bức xúc, lo lắng khi bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều có những sai sót không hề nhỏ, phải chỉnh sửa nhiều nội dung. Giáo dục là lĩnh vực vô cùng quan trọng, nhạy cảm, không chỉ liên quan đến mỗi học sinh, mỗi gia đình, nhà trường mà còn là tương lai của đất nước, bởi vậy thật dễ hiểu khi vấn đề bộ SGK của nhóm Cánh Diều nói riêng, chương trình, SGK mới nói chung đã làm “nóng” nghị trường trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua.

Hiện nay, theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tổ chức thẩm định, lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6. Liệu những “hạt sạn” có còn xuất hiện trong SGK? Liệu chất lượng SGK có bảo đảm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đang đòi hỏi hết sức bức thiết trong tình hình hiện nay? Đó là những câu hỏi từ thực tiễn, là vấn đề mà Bộ GD&ĐT cùng cả xã hội đang trăn trở, tìm lời giải phù hợp.

Sau khi xảy ra sự cố liên quan đến bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK giáo dục phổ thông, tập trung vào việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng thẩm định SGK; chỉ đạo sát sao, chặt chẽ các khâu biên soạn, thẩm định, trong đó sẽ tăng cường giám sát quá trình thực nghiệm SGK; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học, người dân vào bản mẫu SGK... Tất cả những nội dung này là rất cần thiết, được dư luận ủng hộ, cần phải làm ngay. Nhưng xét đến cùng, dù quy trình có chặt chẽ thế nào thì vẫn do con người thực hiện. Thái độ, tinh thần trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân trong từng khâu, từng công đoạn của quy trình sẽ quyết định đến chất lượng, hiệu quả công việc, đến chất lượng SGK. Bởi vậy, việc phát huy tâm huyết, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân từ khâu biên soạn, thẩm định đến phê duyệt, xuất bản SGK là mấu chốt để giải quyết vấn đề. Muốn vậy, bên cạnh việc động viên, khích lệ, cần có cơ chế gắn trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng tập thể, cá nhân trong từng khâu, từng bước của quy trình làm SGK. Ở mỗi một khâu, nếu tốt phải biểu dương, khen thưởng, nếu không tốt, xảy ra sai sót phải có “địa chỉ” cụ thể để chịu trách nhiệm.

"Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" là chủ trương đúng đắn. Thực hiện chủ trương này sẽ phát huy được nguồn lực, trí tuệ trong biên soạn SGK, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời xóa bỏ tình trạng độc quyền SGK... Về mặt lý thuyết thì sẽ có nhiều bộ SGK, học sinh, giáo viên có quyền lựa chọn những bộ tốt nhất, bỏ qua những bộ SGK không phù hợp, nhưng không vì thế mà coi đây là một thị trường đơn thuần, từ đó coi nhẹ công tác quản lý. SGK là loại hàng hóa đặc biệt, là một tài liệu giáo dục quan trọng, đòi hỏi phải có tính chuẩn mực, chính xác ở mức cao nhất. Các khâu từ biên soạn, thẩm định, phê duyệt đến xuất bản SGK phải được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, cẩn trọng với trách nhiệm cao nhất-trách nhiệm trước tương lai của đất nước./.

 

Đăng nhận xét

 
Top