Lợi dụng nghiên cứu khoa học hoặc hoạt động giảng dạy để xuyên tạc sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là thủ đoạn quen thuộc mà một số tổ chức, cá nhân vẫn tiến hành. Gần đây, nhất là khi cả nước đang nỗ lực chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, với vỏ bọc xã hội dân sự (XHDS) hoặc cơ sở giáo dục, thủ đoạn này tiếp tục được một số người ra sức sử dụng để truyền bá quan điểm sai trái, tác động, lôi kéo, đầu độc, làm lạc hướng nhận thức của một bộ phận người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, nhằm đẩy tới hành vi phản bội đất nước, dân tộc.
Nhiều năm qua, việc trọng dụng người tài, tạo môi trường,
điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục, giảng dạy
vừa là một vấn đề có tính chiến lược, vừa là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà
nước Việt Nam. Trong đó, mời gọi nhân tài gốc Việt trở về cống hiến, xây dựng
đất nước là một nội dung quan trọng, được thể hiện, đề cập và cụ thể hóa qua
nhiều nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước và Chính phủ... Mới nhất, ngày 28/4/2020,
Bộ Nội vụ công bố Quyết định 297/QĐ-BNV ban hành kế hoạch xây dựng đề án chiến
lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Chính vì vậy, dù điều kiện cơ sở
vật chất trong nước cũng như các ưu đãi dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học,
giáo dục đào tạo còn không ít bất cập, khó khăn nhưng ngày càng nhiều nhân sĩ,
trí thức gốc Việt đã trở về quê hương sinh sống, làm việc, giới thiệu tác phẩm,
công trình mới, tham gia tư vấn, đề xuất kế hoạch, chung tay, góp sức phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước.
Nhưng từ đây lại nảy sinh hiện tượng một vài trí thức gốc
Việt có lòng dạ hẹp hòi, chống cộng điên cuồng, mượn danh, đội lốt nghiên cứu
khoa học để xuyên tạc sự thật, bôi đen lịch sử. Với việc thành lập cái gọi là
hội, nhóm nghiên cứu, cho ra đời viện này viện kia, những người này vừa tuyên
truyền chống cộng trong cộng đồng người gốc Việt ở nước ngoài, vừa “vươn vòi”
đầu độc những người còn cả tin, thiếu hiểu biết ở trong nước. Như Nguyễn Thiện
Ý, một cây bút chống cộng, trả lời trên VOA thì: “Tinh thần chống cộng của
người Việt tại hải ngoại có nguồn gốc sâu xa từ việc giáo dục tuyên truyền có
chủ ý từ những ngày đầu của Việt Nam cộng hòa (VNCH) vốn được duy trì trong
suốt thời kỳ tồn tại của quốc gia này và sau này được người tị nạn Việt Nam
mang theo ra đến hải ngoại”. Tuy nhiên, có thể thấy sự khác biệt trong cách
thức truyền bá giữa các cá nhân, các tổ chức chống cộng. Như VOICE - cánh tay
nối dài của tổ chức khủng bố “Việt tân”, lồng ghép tuyên truyền qua “học bổng
XHDS”, ngụy trang dưới các đề tài về “nhân quyền, tự do tôn giáo, môi trường...”.
Đối tượng VOICE quan tâm là thanh thiếu niên và các nhóm yếu thế trong xã hội,
lợi dụng những khó khăn trong hoàn cảnh của họ để từ đó khéo léo gieo cấy, tiêm
nhiễm tư tưởng chống cộng, chống phá Đảng, Nhà nước… tạo ra tình trạng “tự diễn
biến, tự chuyển hóa” trong nhận thức, hướng họ đến một “cuộc cách mạng màu”...
Sau khi trở về từ các “khóa học XHDS” của VOICE, nhiều người đã thừa nhận trên
BBC, VOA, RFA về việc đã tham gia các hoạt động gây rối trật tự, an ninh dưới
danh nghĩa “biểu tình ôn hòa”. Số khác, như nhóm “triết học đường phố”, lại
hướng đến thanh, thiếu niên để kích động, cổ vũ cho ma túy và lối sống vô chính
phủ, tán dương sử dụng vũ khí,... mà sâu xa là tiêm nhiễm quan điểm thù địch
đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong khi đó, nhóm trí thức lớn tuổi lại tập trung vào
việc ngụy tạo giá trị ảo cho những tổ chức phản động, những thây ma của chế độ
cũ vốn thường xuyên điên cuồng chống phá sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước
Việt Nam như chính phủ bù nhìn của Trần Trọng Kim của “VNCH”. Khác với VOICE,
“tạp chí luật khoa”, “triết học đường phố”, đối tượng của nhóm “xét lại lịch
sử” này là lớp trung niên trở lên, nhất là cựu sĩ quan, công chức của “VNCH”,
người bất mãn với chế độ hiện hành. Đằng sau vỏ bọc biên khảo, phổ biến lịch
sử, văn hóa và con người Việt Nam, một số tổ chức học thuật hải ngoại như “hội
sử học Việt Nam” (tiền thân là “Nhóm Nghiên cứu lịch sử Việt Nam và tinh thần
Trúc Lâm Yên Tử tại Âu châu”) không hề che giấu mục đích chống phá Đảng, Nhà
nước và nhân dân Việt Nam thông qua các cáo buộc sai sự thật về “phản quốc, bán
nước”... Hoặc, cố tình bịa đặt, xuyên tạc thực tế trong nước (như cho rằng ở
Việt Nam đang tồn tại “đấu tranh giai cấp, với lớp chủ mới và một lớp tân vô
sản với những tệ trạng xã hội mới”, là “nô quốc của những thế lực toàn cầu
mới”)... Trơ tráo hơn, tổ chức gọi là “học viện công dân” còn công khai luận
điệu ngợi ca chế độ cũ, cho rằng tại Việt Nam “chưa bao giờ thật sự có quyền
công dân”, “ý thức công dân chỉ được giáo dục, phát triển ở VNCH”. Đáng chú ý,
một số người trong mấy nhóm này đã cố tình xuất bản, lan truyền trái phép một
số tác phẩm, dịch phẩm trong nước. Đặc biệt, lợi dụng việc được tự do ngôn
luận, tự do nghiên cứu, họ lập “Học viện công dân” nhằm tổ chức chống phá dưới
lốt truyền bá kiến thức. Số khác như Trần Gia Phụng - giáo viên của chế độ cũ,
sau năm 1975, ông ta bỏ nghề dạy học, sinh sống như một công dân Việt Nam bình
thường, song từ khi tới Canada (Ca-na-đa) định cư, Trần Gia Phụng lại dùng ngòi
bút xảo trá của mình để bôi đen lịch sử, phủ nhận công lao của lãnh tụ Hồ Chí
Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
chống đế quốc Mỹ. Không những vậy, ông ta còn trực tiếp tham gia các tổ chức
chống cộng như “Viện Việt học” và gần đây là “Hội sử học Việt Nam độc lập”
(HSHVNĐL). Hành vi và sự tráo trở, trơ trẽn của Trần Gia Phụng không chỉ khiến
những ai quen biết ông ta khi còn ở trong nước xem thường, lên án mà còn gây
phẫn nộ trong chính các học giả gốc Việt ở nước ngoài, như nhà sử học Nguyễn
Mạnh Quang nhận xét, thì Trần Gia Phụng: “Là một người được huấn luyện về ngành
chuyên môn dạy lịch sử và công dân, rồi viết sử, mà lại gia nhập những phe phái
làm tay sai cho các thế lực ngoại thù để chống lại một tổ chức đã có công hoàn
thành được nhiệm vụ lịch sử, đánh đuổi được các thế lực ngoại xâm, đòi lại chủ
quyền độc lập cho dân tộc, và đem lại thống nhất cho Tổ quốc, thì các bài viết
lịch sử của ông còn có giá trị gì nữa không”. Dù ra sức chống phá nhằm được các
thế lực phản động ghi công hoặc thực hiện mưu đồ cá nhân nhưng theo thời gian,
ngay trong các thành phần chống cộng, ảnh hưởng của các “nhà biên khảo” này
đang bị giảm dần. Bởi, ngoài việc tỏ thái độ chống phá đến cùng, họ chỉ biết
xào đi, xào lại những nội dung cũ rích đã bị chính các học giả uy tín của Việt
Nam và quốc tế bác bỏ, phủ nhận. Hơn thế nữa, do phụ thuộc vào nguồn tài trợ mà
phần lớn là từ cộng đồng người Việt chống cộng sống ở nước ngoài, họ phải chiều
lòng mấy “ông chủ” vốn không dám nhìn thẳng vào thất bại thảm hại trong quá khứ
đến hiện tại.
Hiện nay, do thiếu kinh phí và không còn thu hút được
người theo, một số viện nghiên cứu giả danh kiểu nêu trên đã tự giải thể, ngừng
hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức đội lốt học thuật kiểu như vậy, dù
quy mô có thể thu hẹp hơn nhưng lại đang tìm cách chuyển hướng hoạt động bằng
việc bắt đầu chú ý phổ biến các hoạt động, của thủ đoạn của họ trên in-tơ-nét.
Với công cụ là mạng xã hội, các tổ chức này đang mưu đồ biến không gian ảo trở
thành mặt trận chống cộng mới. Đặc biệt, sau khi một số nhóm phản động dưới mác
hội, nhóm nghiên cứu như “học viện công dân” bị phát giác khi tổ chức các “khóa
đào tạo” tại Việt Nam, thì các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Spiderum và
một số website giáo dục, đào tạo đang được họ tận dụng triệt để nhằm tuyển mộ thành
viên mới. Ở chiều ngược lại, từ sự thiếu hiểu biết nên một số website, diễn đàn
học thuật trong nước đã vô tình tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân này, như
trường hợp một trường đại học ở miền trung Việt Nam đã đăng thông tin về học
bổng XHDS của VOICE. Cùng với đó là hiện tượng mở các trang fanpage, nhóm kín
có tên gọi, có nội dung na ná một số hội, nhóm nghiên cứu, giáo dục nghiệp dư
trên facebook để len lỏi truyền tải những bài viết xuyên tạc lịch sử, kém chất
lượng, sai sự thật. Ngoài ra, số nhóm, cá nhân tổ chức này còn thường xuyên sử
dụng tài khoản giả mạo, cài người vào đội ngũ quản lý, mua chuộc quản trị viên
của một số diễn đàn học thuật trực tuyến để đăng tải bài viết có nội dung xấu,
bình luận có tính tiêu cực. Kết hợp với các chiêu trò này là việc lợi dụng vỏ
bọc tổ chức, cá nhân để dịch thuật, xuất bản trái phép các ấn phẩm sách, tạp
chí phi chính trị, phản giáo dục dưới hai hình thức in ấn và trực tuyến. Đây
được xem là công cụ giúp kẻ phản động truyền tải những quan điểm xấu, độc, vừa
là cách để kiếm tiền. Khi bị nhận diện, phát giác họ lại sử dụng cái “mác” tổ
chức học thuật, cơ sở giáo dục để to mồm la lối, vu cáo chính quyền!
Qua sự phân hóa giữa các tổ chức đội lốt học thuật,
nghiên cứu nhằm mục đích chống cộng, có thể thấy sự thất thế của các nhóm trí
thức cũ; đồng thời có thể coi sự ra đời các tổ chức học thuật ma quỷ khác như
“Viện Việt học”, “Học viện công dân”, “Hội sử học Việt Nam”, “Hội sử học Việt
Nam tại châu Âu” và gần đây là HSHVNĐL là thủ đoạn mới, tinh vi hơn, xảo quyệt
hơn của một số người nhân danh trí thức để chống cộng, chống phá chế độ, mà cụ
thể là Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cũng cần chú ý một thực tế là những đối tượng
“cây bút” già nua quen thuộc đến mức nhàm chán đang bị các thành viên trẻ tuổi
hơn gạt khỏi các tổ chức này vì bị coi là tư duy lỗi thời. Trong các khóa học
gần đây, tổ chức phản động VOICE đã thay thế các gương mặt cũ kỹ bằng đội ngũ
trẻ hơn như Will Nguyễn, Đinh Thảo, Ngọc Diệp... nhưng về bản chất hành vi xấu
xa thì không hề thay đổi, thậm chí còn điên cuồng, trắng trợn và tinh vi hơn.
Điều này một lần nữa được khẳng định qua các đơn xin kêu gọi tài trợ, quyên góp
để duy trì hoạt động, tránh rơi vào tình trạng giải thể như “Viện Việt học”,
“Học viện công dân”; hoặc việc HSHVNĐL không thể bầu đội ngũ lãnh đạo trong
nhiệm kỳ mới thay thế các thành viên đã qua đời... Bên cạnh trách nhiệm giải
quyết của các cơ quan chức năng, điều này đang đặt ra yêu cầu với giới nghiên
cứu lịch sử, văn hóa ở trong nước và ngoài nước, ngoài những phương tiện truyền
thống như báo chí, xuất bản, phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xuất bản
sách, công bố bài viết trên mạng xã hội. Các cơ quan chức năng cũng phải có
biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn với Facebook và Alphabet (công ty mẹ của
Google, YouTube) để ngăn chặn các nhóm nhân danh tự do nghiên cứu, học thuật để
thực hiện mưu đồ xấu. Đồng thời, những cá nhân tự nhận có đam mê tìm hiểu về
văn hóa, lịch sử, cần nêu cao cảnh giác, có ý thức nghiêm túc trong việc trau
dồi tri thức, điều chỉnh nhận thức để không bị dẫn dắt bởi các loại luận điệu
giả mạo học thuật./.
Đăng nhận xét