Tình trạng bạo lực và kỳ thị người Châu Á ngày càng tăng tại Mỹ vì Covid-19, trong khi những cuộc tấn công nhắm vào cộng đồng này thường ít được chú ý.

Bà Monthanus Ratanapakdee sẽ luôn nhớ về cha mình là một người hiền lành và thân thiện với mọi người xung quanh.



Ông Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, đã chuyển đến thành phố San Francisco từ Thái Lan 4 năm trước để giúp con gái và con rể Eric Lawson chăm sóc hai con trai của họ. Ông ấy được biết đến với cái tên thân mật “ông nội” trên khắp khu phố. Hằng ngày, ông thường đi dạo quanh khu phố vào buổi sáng.

Ngày 28/01, khi đang đi bộ thì ông Vicha bị một người thanh niên lao tới và xô ông ngã xuống đất, video giám sát đã ghi hình lại vụ việc. Sau đó, ông Vicha Ratanapakdee được đưa đến bệnh viện, nơi ông ấy đã qua đời hai ngày sau.

“Bố tôi sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Ông ấy bị xuất huyết não sau vụ tấn công", cô Monthanus Ratanapakdee nói với Chương trình truyền hình Nightline. "Tôi muốn bố tôi tỉnh dậy và đến gặp tôi lần nữa, nhưng ông ấy đã không bao giờ tỉnh dậy nữa".

Vụ việc dẫn đến cái chết của ông Vicha Ratanapakdee chỉ là một trong nhiều vụ tấn công chống lại người Châu Á ở Bắc California trong hai tháng qua. Nhiều vụ án trong số đó nhằm vào người Mỹ gốc Á cao tuổi. Số lượng các vụ án tương tự tăng cao sau gần một năm từ khi đại dịch xảy ra.

TỆ HƠN VÌ COVID-19

Các vụ hành hung gần đây đã thu hút sự chú ý của các diễn viên như Daniel Dae Kim và Daniel Wu. Họ là những người đã lên tiếng chống lại các vụ hành hung nhằm vào người gốc Á. Họ cũng nói rằng sẽ trao thưởng cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ và kết án những người liên quan đến vụ tấn công một người đàn ông 91 tuổi ở khu phố người Hoa ở Oakland.



"Họ đang tấn công nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất của chúng tôi", diễn viên Daniel Dae Kim nói. "Nhưng ngoài các kênh truyền thông của người Mỹ gốc Á thì không báo đài nào đưa tin về các câu chuyện mà chúng tôi đang phải trải qua".

Hơn 1.000 người đã xuống đường để phản đối bạo lực chống lại người Châu Á và kêu gọi công bằng chủng tộc sau khi các video quay các vụ hành hung được chia sẻ trên mạng xã hội.

Một nghi phạm 19 tuổi bị buộc tội giết người và ngược đãi người cao tuổi trong cái chết của ông Vicha Ratanapakdee. Luật sư của nghi phạm nói rằng thân chủ của ông ta “không biết gì về chủng tộc của ông Ratanapakdee vì khuôn mặt của ông ấy được che hoàn toàn” với một chiếc khẩu trang và nón. Luật sư cũng khẳng định vụ tấn công không có động cơ chủng tộc, mà là do "sức khỏe tâm thần của thiếu niên này".

Lãnh đạo cộng đồng, tiến sĩ Connie Wun, nói rằng các vụ chống đối người Châu Á đã gia tăng đáng kể từ khi đại dịch xuất hiện ở Trung Quốc.

“Khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đề cập công khai, chẳng hạn như "virus Vũ Hán" hay "bệnh cúm Trung Quốc", ông ấy đã giúp khơi dậy ngọn lửa bạo lực chống lại người châu Á đối", cô nói với Chương trình Nightline.

Tổ chức Ngăn chặn sự căm thù đối với người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương (Stop Asian American and Pacific Islander Hate) đã ghi nhận gần 3.000 báo cáo về các vụ việc chống lại người Châu Á vào năm 2020. Sở Cảnh sát New York cho biết số tội phạm do thù ghét đối với người châu Á đã tăng 1,9%.

“Chúng tôi có xu hướng không muốn nói về các vụ hành hung mà chúng tôi phải đối mặt,” Wun nói. “Chúng tôi không muốn gây thêm rắc rối cho mình vì chúng tôi biết rằng một số thành viên trong cộng đồng không có giấy tờ pháp lý. Điều đó khiến chúng tôi cũng dễ bị trục xuất hơn. Chúng tôi không muốn tạo ra nhiều sự chú ý đến cộng đồng của mình".

Trong lịch sử, đã có những cuộc xung đột giữa người da đen và người Châu Á ở các thành phố lớn hơn, Wun nói: "Người Mỹ da trắng có xu hướng dành những đặc quyền cho người Châu Á và người Mỹ gốc Á, họ không xem chúng tôi là những thành viên của cộng đồng người da đen và Latin". "Họ xem chúng tôi là những cộng đồng thiểu số gương mẫu", Wun nói thêm.

Cô ấy nói rằng tồn tại những quan niệm về người Mỹ gốc Á luôn “xuất sắc” và cuộc sống của họ được miêu tả trong các bộ phim và chương trình truyền hình như Crazy Rich Asians và Bling Empire.

“Nhưng đó không phải sự thật. Đó không phải là thực tế cộng đồng tôi đang trải qua ”, cô nói, thêm rằng nhiều người đang sống trong cảnh nghèo đói nhưng câu chuyện của họ đã không được nhắc tới.

"CHÚNG TÔI CÙNG CUỘC CHIẾN VỚI NGƯỜI DA ĐEN"

Sau cái chết của ông George Floyd vào tháng 5/2020, kéo theo làn sóng phản đối bạo lực với người da đen, diễn viên Daniel Dae Kim tin rằng cuộc chiến đấu vì công bằng chủng tộc của cả hai cộng đồng đang thống nhất hơn bao giờ hết.

“Trong lịch sử, đã có những căng thẳng giữa cộng đồng người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Á, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng vụ việc của George Floyd đã thúc đẩy hai cộng đồng theo cách mà tôi chưa từng thấy trước đây", Kim nói.

Dù một số nghi phạm trong các vụ tấn công gần đây là người da đen, Kim nói rằng "đó không phải vấn đề của người da đen và người gốc Á. Đó là tâm lý ở đất nước này rằng việc tấn công, về thể xác và tinh thần, đối với người Mỹ gốc Á là chấp nhận được".

"Chúng tôi như con dê tế thần", Kim nói.

“Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người Mỹ gốc Á ủng hộ phong trào Black Lives Matter hơn lúc này, họ diễu hành khắp đất nước, bao gồm cả bản thân tôi", tiến sĩ Connie Wun. "Mọi người đều có thể nhận ra sự bất công trong hệ thống này, tôi hy vọng rằng động lực đó sẽ tiếp diễn trong những trường hợp này".

Ngay cả trước khi mất cha, cô Monthanus Ratanapakdee cho biết cô ấy và các con cũng đã phải đối mặt với những vấn đề như vậy trước đây. Chồng cô, Lawson, nói rằng họ phải "chống trả": "Chúng tôi không thể im lặng về điều này".

"Thật đau lòng", cô nói, khi cô xem đoạn video bố mình bị đẩy xuống đất trên tivi. "Tôi không muốn nhìn thấy nó, thật đau đớn"./.

 

Đăng nhận xét

 
Top