Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu so với cùng kỳ năm 2020, con số hơn 2 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1 năm nay đã giảm hơn 60%. Tuy nhiên, số sụt giảm chủ yếu đến từ việc tháng 1/2020 ghi nhận Dự án Điện khí Bạc Liệu với tổng vốn 4 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư.



Nếu không tính dự án điện khí này, tổng vốn FDI bao gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng gần 52%. Nếu tính riêng số vốn FDI được đưa vào thực hiện trong kỳ, con số thực tế là 1,51 tỷ USD, cũng tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 1, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 1,54 tỷ USD, chiếm 76% tổng vốn đăng ký mới.

Nếu tính theo nguồn gốc đầu tư, đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam. Trong đó, Singapore là nhóm nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn 680,7 triệu USD, tương đương 34% tổng vốn vào Việt Nam. Theo sau là nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đại lục với 618 triệu USD (31%). Nhóm nhà đầu tư từ Hong Kong đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 221,3 triệu USD (11%)…

Xét theo vùng nhận đầu tư, đã có nhiều dự án FDI được đầu tư tại các địa phương của Việt Nam, nổi bật như tại Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng...

Cụ thể, trong tháng 1, Đà Nẵng đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises (Mỹ) với tổng vốn đăng ký 110 triệu USD.

Tại Đồng Nai, chỉ trong nửa đầu tháng 1/2021, tỉnh này đã thu hút 11 dự án FDI, gồm 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư hơn 226 triệu USD. Đây cũng là mức vốn FDI vào Đồng Nai cao nhất trong 5 năm qua.

Tại Bắc Giang, tỉnh này cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án FDI lớn trong tháng 1. Trong đó có Dự án nhà máy Fukang Technology của Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd tại Khu công nghiệp Quang Châu với vốn đăng ký 270 triệu USD. Đây là một trong những nhà máy sản xuất iPhone, iPad, MacBook cho Apple với quy mô sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.

Ba dự án FDI còn lại tại Bắc Giang được trao chứng nhận đầu tư trong tháng 1 gồm Dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV VN của Công ty Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited đầu tư, vốn đăng ký 210 triệu USD; Dự án nhà máy Risesun New Material VN của Công ty Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore), vốn đăng ký 75 triệu USD; Dự án nhà máy Kodi New Material VN do Công ty Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore), vốn đăng ký 6 triệu USD.

Những ngày đầu tháng 2 vừa qua cũng ghi nhận nhiều dự án FDI lớn được các địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó có dự án 750 triệu USD của LG Display Co., Ltd thuộc Tập đoàn LG Hàn Quốc đầu tư tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng).

Đây là phần vốn đầu tư tăng thêm được điều chỉnh từ tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD đã đầu tư trước đó. Mục tiêu dự án là mở rộng sản xuất các sản phẩm màn hình OLED TV, màn hình OLED nhựa cho các thiết bị, màn hình LCD...

Cũng trong tháng 2, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy Lioncore Việt Nam với tổng mức đầu tư 30 triệu USD.

Dự kiến trong quý I/2021, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cũng sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 200 triệu USD. Các dự án này đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với định hướng chiến lược của tỉnh./.

 

Đăng nhận xét

 
Top