Theo Bộ Công an, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng.



Các đối tượng thù địch, phản động triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin... Thủ đoạn phổ biến là tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các “sự kiện nóng”, các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.

Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng số đối tượng xấu vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất... gây hoang mang dư luận. Cùng với đó là tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên mạng xã hội nhằm lôi kéo người xem để kiếm tiền. Thậm chí, một số đối tượng tìm mọi cách để nổi tiếng trên mạng xã hội, kể cả việc thực hiện cả hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền...

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam. Qua đó, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội. Đáng chú ý, đã ban hành “Quy trình công tác công an phát hiện, đấu tranh, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội”. Chỉ tính riêng 2 tháng, sau khi triển khai Quy trình này, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức kiểm soát, phát hiện, xác minh, triệu tập đấu tranh, bắt, khởi tố hình sự 8 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 74 đối tượng; răn đe 157 đối tượng có hoạt động tán phát tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng và yêu cầu các đối tượng gỡ bỏ tin, bài viết, chấm dứt hoạt động; tổ chức tấn công, vô hiệu hóa 633 tài khoản, bài viết, video; báo cáo vi phạm (report) 1.067trang/tài khoản mạng xã hội facebook; 2.851.831 lượt tán phát thông tin có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật, công kích, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Công an nhận định, hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet vẫn chưa tương xứng với thực trạng. Nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng vi phạm trên các nền tảng số xuyên biên giới là do người sử dụng cho rằng khó bị phát hiện danh tính, có tư tưởng “vô danh nên vô trách nhiệm”, không sợ bị xử lý nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả. Người dân cũng khó có căn cứ, cơ sở để xác định tin thật nếu cơ quan chức năng không kịp thời xác nhận nên tiếp tục phát tán theo cấp số nhân, nhất là những vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm, gây hoang mang trong xã hội. Hiện có nhiều người ngày càng phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam chưa có các dịch vụ tương tự, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh, không phối hợp thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc tại Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng này, việc quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet và mạng xã hội là quan trọng và cấp thiết, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ TTTT cùng sự hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội, báo chí; truy tìm, đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội; hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận..

Trong công cuộc này, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò Ban Chỉ đạo 35 các cấp về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, tự phòng chống các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Quan trọng hơn cả là mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức cần thiết để có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.

 

Đăng nhận xét

 
Top