Khủng hoảng năng lượng của châu Âu đang ngày càng phình to, đẩy châu lục này tới bờ vực suy thoái. Các chính phủ buộc phải chi hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.



Theo CNN, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã vọt lên 28% hôm 5/9, sau khi gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom thông báo tạm dừng hoạt động của Nord Stream 1 vô thời hạn.

Năm ngoái, đường ống này chiếm khoảng 35% tổng lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga. Nhưng kể từ tháng 6, Gazprom đã cắt giảm hoạt động của Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất.

Động thái của Moscow làm dấy lên lo ngại rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông sắp tới. Lo ngại cũng lan rộng ở Anh sau khi giá khí đốt tự nhiên tương lai tại đây tăng hơn 1/3 trong phiên giao dịch ngày 5/9.

Bài toán nan giải

Việc Nord Stream 1 bị đóng cửa vô thời hạn đã khiến giá trị đồng euro rơi xuống mức thấp nhất 20 năm so với đồng USD. Đồng bảng Anh cũng giảm mạnh khi giới đầu tư lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng sẽ tác động nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế và thu ngân sách của chính phủ.

Một số quốc gia đã lên kế hoạch chi tiêu mạnh tay để hạn chế thiệt hại. Hôm 4/9, Đức công bố gói cứu trợ trị giá 65 tỷ euro (tương đương 64 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình đối phó với lạm phát.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp nặng.

Theo ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, tổng số tiền hỗ trợ của chính phủ Đức đã lên tới 95 tỷ euro, tương đương 2,5% GDP.

Bà Liz Truss, tân thủ tướng Anh, cũng đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau giáng vào kinh tế Anh. Bà đã tuyên bố sẽ vực dậy nền kinh tế bằng cách giảm thuế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng biện pháp này có khả năng làm gia tăng lạm phát và gây tổn hại đến hệ thống tài chính công của đất nước.

Cụ thể, theo nguồn tin của The Sunday Times, bà Truss đang cân nhắc gói hỗ trợ trị giá 110 tỷ bảng (115 tỷ USD) để đối phó với tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.

Như vậy, khoản hỗ trợ sẽ lớn hơn nhiều gói cứu trợ trị giá 30 tỷ bảng Anh của nước này trong thời kỳ đại dịch. Vào thời điểm đó, chính phủ Anh đã hỗ trợ tiền lương cho người lao động để ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt.

Trả giá đắt

Suốt nhiều tháng qua, EU đã tăng cường dự trữ năng lượng cho mùa đông, thời điểm tiêu thụ năng lượng tăng đột biến. Họ lo ngại rằng Moscow sẽ cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu.

Theo Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu, những kho chứa khí đốt đã đầy 82%, vượt quá mục tiêu mà các nước trong khu vực đặt ra.

Tuy nhiên, giới chức châu Âu hiểu rằng họ phải hành động nhiều hơn để đối phó với những thách thức đang ngày càng lớn.

Doanh nghiệp trên khắp khu vực đồng euro lo ngại rằng họ sẽ phải dừng hoạt động trong mùa đông vì thiếu điện. Trong khi đó, các hộ gia đình có thể chịu sức ép lớn khi hóa đơn điện tăng vọt.

Theo ông Fabian Ronningen - nhà phân tích cấp cao tại công ty năng lượng Rystad Energy, giá điện kỳ hạn đang ở mức cao. Điều này cho thấy các nhà giao dịch tin rằng cuộc khủng hoảng sẽ không dịu đi trong những tháng tới.

"Chúng ta có thể sẽ phải tìm kiếm giải pháp trong vài mùa đông nữa", Giám đốc điều hành Shell Ben van Beurden cảnh báo.

Hôm 29/8, Uniper - công ty nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất tại Đức - thừa nhận rằng họ cần thêm sự trợ giúp của chính phủ. Công ty yêu cầu khoản hỗ trợ bổ sung lên tới 4 tỷ euro.

Uniper cho biết đang rơi vào tình trạng khan hiếm tiền mặt vì thiếu hụt các mặt hàng xuất khẩu của Nga. Điều này buộc họ phải chịu mức giá trên trời để lấp đầy khoảng trống nguồn cung trên thị trường.

Ngày 9/9 tới, các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ có cuộc họp khẩn để thảo luận về những biện pháp hỗ trợ người dân châu Âu đối phó với giá năng lượng tăng cao.

Theo Reuters, các ý tưởng ban đầu bao gồm tách giá điện khỏi giá khí đốt tự nhiên để ngăn giá điện tăng cao, cấp tín dụng khẩn cho những công ty năng lượng có nguy cơ phá sản.

 

Đăng nhận xét

 
Top