Thời gian qua, lấy danh nghĩa “thư ngỏ”, “phản biện xã hội”, một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã phát tán nhiều nội dung xuyên tạc, thổi phồng mặt trái của nước ta ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng - văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao…
Đặc
biệt, dưới sự lan truyền nhanh của mạng xã hội, không ít cán bộ, đảng viên, nhân
dân đã tin và có hành vi bình luận, phát tán rộng rãi trên tài khoản mạng xã
hội của cá nhân, không khác gì việc “nối giáo cho giặc”.
Điển
hình của tình trạng này là việc dựa vào một số hạn chế trong công tác phòng,
chống dịch Covid-19 để phủ nhận nỗ lực của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị
ở nước ta. Nhìn nhận khách quan hơn 2 năm qua, chúng ta không phủ nhận công tác
phòng, chống dịch còn có nhiều khó khăn, khuyết điểm. Những thiệt hại về tính
mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội mà đất nước phải gánh chịu đã rõ.
Với tinh thần trung thực, thẳng thắn, những hạn chế, bất cập, vấn đề đặt ra đã
được Đảng, Nhà nước ta kiểm điểm làm rõ, phân tích sâu sắc nguyên nhân và tập
trung biện pháp kiên quyết khắc phục.
Nhưng
không thể vì những khó khăn, khuyết điểm ấy mà phủ nhận sạch trơn sự nỗ lực, cố
gắng của cả dân tộc trong suốt hơn 2 năm qua với một sự việc chưa từng có tiền
lệ trên thế giới. Và càng không thể vì thiếu sót, khuyết điểm của một vài địa
phương, một số ít cá nhân để “vơ đũa cả nắm” suy diễn, quy kết vô lối rằng Việt
Nam thất bại trong phòng, chống dịch; nội bộ Việt Nam “có vấn đề”...
Một
thực tế không ai có thể phủ nhận là đến nay, Việt Nam đã trở lại nhịp độ phát
triển gần như bình thường so với trước đại dịch, được cộng đồng quốc tế ghi
nhận, đánh giá cao. Để có kết quả đó, tất cả đã vào cuộc bằng tinh thần “chống
dịch như chống giặc”; “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “ngoại giao vắc xin”...
phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân.
Không
chỉ có vậy, việc từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng đến cuối tháng 6-2022, Đảng ta đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản
lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan công an,
quân đội mang hàm cấp tướng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố,
điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế… Khi
siết chặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng thì các
phần tử cơ hội chính trị cho rằng đó chỉ là những cuộc “đấu đá” nội bộ, thậm
chí tô vẽ thêm để nhằm gây tâm lý hoang mang, hoài nghi trong cộng đồng, hạ
thấp uy tín của Đảng.
Nhận
thức rõ âm mưu trên, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng lãnh
đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt việc phòng, chống các quan điểm sai trái, thường
xuyên đề cao cảnh giác với chiêu trò thổi phồng mặt trái của xã hội. Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ chính là: “Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với
báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo
đường lối của Đảng; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng
mặt trái của xã hội…”.
Do
đó, vào lúc này, sự tỉnh táo là cần thiết để nhìn nhận bản chất sự việc, để
hiểu đúng và hành động đúng. Từ đó, ngăn chặn tình trạng “nối giáo cho giặc”
thông qua lợi dụng chiêu bài dân chủ, phản biện xã hội để phản bác, phủ nhận,
phá bỏ sạch trơn, thông qua cố tình thổi phồng mặt trái của xã hội.
Vì
vậy trước hết, các cơ quan quản lý được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cần đẩy
mạnh theo dõi, nắm chắc tình hình trên internet và mạng xã hội để chủ động có
biện pháp đấu tranh, ngăn chặn từ sớm, từ xa với những thông tin, luồng dư luận
sai trái. Đồng thời, xử phạt nghiêm minh các đối tượng tung tin đồn thất thiệt.
Bằng
nhiều hình thức, phương pháp, công tác tuyên truyền, giáo dục phải đi sâu vạch
trần tính chất nguy hiểm của chiêu trò thổi phồng mặt trái, thiếu sót, khuyết
điểm để chống phá Đảng, Nhà nước mà các thế lực phản động, cơ hội và bất mãn
chính trị đang tiến hành, từ đó nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản
bác. Qua đó, làm cho những hành động “thổi phồng mặt trái xã hội” trở nên lạc
lõng và dần bị triệt tiêu.
Về
dài hạn, cần nâng cao năng lực hoạch định chính sách phù hợp với quy luật khách
quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để xây dựng, phát triển đất
nước, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Cụ thể là sớm công khai, minh bạch, có
đầu mối cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng để giải đáp
các vấn đề dư luận quan tâm.
Ngoài
ra, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất,
đạo đức, lối sống. Đồng thời, cảnh giác, đánh giá đúng thực chất và tác hại của
những biểu hiện hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, kịch liệt lên án và phản
bác lại những thông tin thổi phồng mặt trái xã hội.
Đối
với những người tham gia mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo để không tự biến mình
thành kẻ “thấy cây mà không thấy rừng”. Trước mọi thông tin, mỗi người cần có
một cái nhìn khách quan, toàn diện để khi tiếp cận và nhận thức cho đúng đâu là
thông tin chính thống, đâu là những thông tin sai lệch, chủ quan, phiến diện.
Những
biện pháp trên là cần thiết để mỗi chúng ta tự bảo vệ, tạo sức “đề kháng” trước
những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm thổi phồng khuyết điểm, khoét
sâu mặt trái để chia rẽ nội bộ cho những kẻ “đục nước béo cò” chống phá Đảng,
Nhà nước và thành quả cách mạng./.
Đăng nhận xét