Sau 25 năm sau khi hòa vào mạng Internet toàn cầu, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất châu Á, đứng thứ 12/20 quốc gia dẫn đầu thế giới về số người dùng Internet. Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước. Thế nhưng, thời gian qua trên một số trang mạng xuất hiện các luận điểm không đúng, không phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đáng lưu ý là gần đây đã xuất hiện một số tài liệu chống đối, xuyên tạc lịch sử cùng với những luận điệu hết sức phản động; một số phần tử cơ hội chính trị tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, đòi Đảng ta từ bỏ quyền lãnh đạo; đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam theo quan điểm của phương Tây…



Các thế lực thù địch lợi dụng những tiêu cực nảy sinh trong một số cán bộ, đảng viên mà chúng ta đang lên án phê phán, đấu tranh và xử lý các vụ việc tham nhũng, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân và các tệ nạn xã hội khác… để gây tâm lý hoang mang, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam càng trở nên tinh vi, phức tạp với mức độ nguy hiểm khó lường. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ vô cùng cấp bách.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã nêu những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm củng cố tư tưởng của Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng và người dân cần chú ý một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm về cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.

Hai là, đổi mới phương thức, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Ba là, chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trong mặt trận đấu tranh trên mạng xã hội.

Bốn là, tăng cường quản lý, chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách hiệu quả.

Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên; các chủ trương, giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống./.

 

Đăng nhận xét

 
Top