Việc ông Phạm Phú Quốc - đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XIV có tên trong danh sách người có hộ chiếu của đảo Síp đang thu hút đông đảo sự chú ý của công luận.



Việc đầu tư vào Síp (Cyprus) để có quyền công dân ở quốc đảo này không phải là lạ. Thực tế thì nhiều năm trở lại đây, các chương trình chào mời đầu tư, định cư ở nước ngoài được quảng cáo rất nhiều, tổ chức các hội thảo rầm rộ ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... Về điều này, độc giả có thể gõ từ khoá để tìm hiểu thêm trên các công cụ tìm kiếm.

Điều khiến người ta giật mình là mức giá “mua quốc tịch” Síp mà hãng thông tấn Al-Jazeera nêu ra là 2,5 triệu USD, tương đương khoảng 58 tỷ đồng.



Bản thân người viết cũng đã tiếp cận với các tài liệu về báo cáo tài chính, báo cáo tiền lương của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Tân Thuận - IPC), nơi ông Phạm Phú Quốc đang làm Tổng giám đốc. Số liệu mới nhất thể hiện mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý tại doanh nghiệp này là vào khoảng 54,5 triệu đồng/người/tháng (lương kế hoạch năm 2019). Vị chi thu nhập 1 năm của viên chức quản lý ở Tân Thuận - IPC là hơn 650 triệu đồng, một con số không nhỏ.

Thế nhưng, con số này cũng chưa thấm là bao so với con số 2,5 triệu USD kia. Ví dụ như ông Quốc dùng thu nhập của mình để mua được quốc tịch Síp thì cũng phải mất đến non 90 năm làm việc trung bình tại Tân Thuận - IPC mà không chi tiêu gì cả. Con số này thật sự quá lớn với những người bình thường. Nhẩm tính về thu nhập mà bản thân có thể tiết kiệm được nếu làm việc quần quật đến cả trăm tuổi, rồi nghĩ đến mức giá mua “hộ chiếu vàng” ở quốc đảo Síp, người viết bỗng… ớn lạnh.

Đó là chưa nói đến mức thu nhập bình quân đầu người của người Việt trong năm 2020 (đang là “phấn đấu” thôi) là 3.000 USD/năm. Tất nhiên, có câu “phi thương, bất phú”. Ông Phạm Phú Quốc là doanh nhân, từng có thời gian 10 năm công tác ở Tổng công ty Bến Thành, hơn 2 năm ở Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) và mới được điều chuyển về Tân Thuận - IPC hồi cuối năm ngoái với nhiệm kỳ 5 năm. Do đó, các so sánh thiết nghĩ… cũng chỉ là ở mức tương đối.



Hơn nữa, ông Quốc tuy có thừa nhận ông có quốc tịch Cộng hòa Síp từ giữa năm 2018 nhưng do gia đình… bảo lãnh chứ không phải ông “mua” quốc tịch như thông tin công bố từ hãng tin Al Jazeera. Thực tế thì trên “bản đồ người giàu” thế giới, tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Việt Nam đang trỗi dậy nhanh chóng.

Báo cáo Thịnh Vượng 2019 vừa được Knight Frank cho hay, giới siêu giàu Việt Nam sở hữu 30 triệu USD trở lên (gần 700 tỷ đồng) đã tăng thêm 7 người so với năm 2017, đạt số lượng 142 người. Về số triệu phú có tài sản trong khoảng từ 3 triệu USD (gần 70 tỷ đồng) đến dưới 30 triệu USD, năm 2018 Việt Nam có khoảng 12.300 người, tăng hơn 5% so với năm 2017.

Knight Frank khẳng định, đến năm 2023, tăng trưởng của giới siêu giàu tại Việt Nam có thể tăng nhanh hàng đầu thế giới với tỷ lệ đạt trên 31% lên hơn 15.700 người.

Không rõ danh sách trên đã chính xác và đầy đủ chưa, nhưng từ câu chuyện lộ danh sách người Việt mua quốc tịch đảo Síp cũng đã cho thấy một trong những phương thức tiêu tiền của giới “siêu giàu” ở nước ta, mà trong đó có cả lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước.

Dân giàu thì nước mạnh. Đất nước càng có thêm nhiều người giàu thì càng tốt chứ sao, miễn sự giàu có đó là chính đáng, đúng pháp luật! Nếu ông Quốc là doanh nhân bình thường, không phải là đại biểu Quốc hội và Công ty TNHH MTV (100% vốn Nhà nước) thì sự thể sẽ khác nhiều.

Cho nên chỉ mong là ĐBQH đại diện tiếng nói cho cử tri, nhân dân giả sử như nằm trong “top siêu giàu” cũng có thể nghe và phản ánh được nguyện vọng của người dân (?) Còn vì sao ĐBQH lại “âm thầm” có hai quốc tịch, trái với quy định thì… đành chờ ông Quốc lên tiếng vậy.

 

Đăng nhận xét

 
Top