Mặc dù Việt Nam đã có hàng nghìn tổ chức, đoàn thể đại diện cho tiếng nói của nhân dân, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Song núp dưới cái bóng tổ chức xã hội dân sự, thời gian qua, có rất nhiều lời kêu gọi lập ra hàng loạt “hội, đoàn độc lập” dễ khiến người ta có thể ảo tưởng về một liều thuốc dân chủ lợi bất cập hại...



1. Độc lập hay đối lập?

Cả nước vừa kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chứng kiến sự trưởng thành, phát triển của nền báo chí nước nhà với hơn 21.000 hội viên Hội Nhà báo. Thế nhưng thật nực cười khi nhiều “nhà dân chủ” lại tung hô, kêu gọi thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập” cho những blogger đội lốt dân chủ chống phá Nhà nước mà chẳng bao giờ có một tác phẩm báo chí đúng nghĩa. Những người này còn tự xưng “nhà báo độc lập”, ra tận nước ngoài tham gia cái gọi là “điều trần đòi quyền tự do báo chí cho Việt Nam” và ngang ngược đòi chuyển ngày truyền thống của báo chí Việt Nam từ 21/6 sang ngày 03/5.

Sau báo là văn, gần đây, người ta lại ồn ào vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” với một so sánh khó chấp nhận, ví “Văn đoàn độc lập Việt Nam” với nhóm “Tự lực văn đoàn” năm xưa. Họ rêu rao "Văn đoàn độc lập Việt Nam" là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong nước. Nhưng sau đó, có nhiều bài viết về "Văn đoàn độc lập" đã hé lộ ý đồ thành lập một tổ chức đối lập với Hội Nhà văn Việt Nam, gắn với mưu đồ "Cách mạng hoa nhài", kêu gọi các nhà văn xuống đường như trong cuộc “Cách mạng Mùa xuân A-rập”. Nực cười hơn, trong danh sách nhà văn vào hội còn ghi bừa cả tên một nhà văn… đã chết.

Trước đó, các “nhà dân chủ” đã liên tục kêu gào phục sinh bóng ma “Công đoàn độc lập” - một tổ chức phản động do Nguyễn Văn Đài phát động từ năm 2006, những kẻ cầm đầu từng bị xử lý vì vi phạm pháp luật hình sự. Song "đục nước béo cò", lợi dụng hiện tượng lôi kéo công nhân biểu tình trái pháp luật và có nhiều hành vi quá khích sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, họ lại ráo riết bắt tay với 17 tổ chức "xã hội dân sự" đứng ra vận động tái lập “Công đoàn độc lập Việt Nam” đại diện cho “hàng triệu công nhân đang bị… bóc lột”(?!). Họ xuyên tạc, phủ nhận vai trò to lớn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lừa phỉnh chỉ có họ mới thật sự bảo vệ quyền lợi thiết thực của công nhân. Họ còn kêu gọi nước ngoài can thiệp, gây sức ép, muốn tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam phải chấp nhận mô hình "Công đoàn độc lập".

Gần đây, ở nước ta, nhiều tổ chức được mang cái mũ "độc lập" mọc ra. Nhiều hội, đoàn với điều lệ, mục tiêu, chương trình hoạt động khác nhau nhưng có điểm chung đều là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xuyên tạc, bóp méo hệ thống chính trị, thành lập các đoàn, hội đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị. Chúng hướng tới nhiều đối tượng khác nhau: Thanh niên, phụ nữ, luật sư, nhà văn, nhà báo, công nhân, nông dân với các tên gọi rất mỹ miều: Tập hợp thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ nhân quyền, Hội tù nhân lương tâm, Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập, Công đoàn độc lập, Hội mỹ thuật độc lập, Hội điện ảnh độc lập… Các thế lực xấu đều kích động, xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền tự do lập hội, kêu gọi các nước lấy đó làm điều kiện gây áp lực khi Việt Nam gia nhập CPTPP.



2. Vải thưa không che được mắt... nhân dân

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự lập hội. Sẽ chẳng ai bị hạn chế nếu các hội ấy thực sự vì con người, vì lợi ích thật sự của nhân dân. Không ai cấm thành lập các tổ chức độc lập, nhưng từ độc lập trở thành đối lập với các tổ chức trong hệ thống chính trị thì tự nó đã đối lập với lợi ích của nhân dân, trái với khuôn khổ cho phép của pháp luật.

Trước hết, có thể thấy ngay rằng, tất cả những tổ chức trên đều không có gì mới mẻ, tiến bộ hay tới mức cấp thiết phải thành lập vì đòi hỏi của xã hội. Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay đều đã có đầy đủ các tổ chức đại diện cho mọi thành phần, mọi giai tầng trong xã hội. Không những thế, các tổ chức chính trị xã hội và các hội, đoàn thể đều được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện hoạt động mọi mặt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở một số tổ chức vẫn còn những mặt hạn chế nhưng so sánh với các hội, đoàn độc lập đang được rêu rao, vận động thành lập thì sẽ thấy ngay sự lố bịch khi những tổ chức đó chẳng có gì mới, chẳng những không tiến bộ mà còn lợi bất cập hại như so sánh cỏ với lúa vậy.

Xin được lấy ví dụ về lời kêu gọi thành lập "Công đoàn độc lập Việt Nam". Họ lập lờ đánh lận con đen, cho rằng chỉ có họ là tổ chức “do công nhân lập nên” mà quên rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiền thân là Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ chính là tổ chức do giai cấp công nhân lao động Việt Nam lập nên từ năm 1929. Đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn là tổ chức chính trị rộng lớn đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Vai trò của tổ chức này còn được ghi nhận, phát triển trong Hiến pháp năm 2013. Chỉ riêng 5 năm gần đây, ngành công đoàn đã tổ chức, tham gia hàng nghìn cuộc làm việc, giám sát bảo vệ quyền lợi người lao động chứ không hề “đứng ngoài, không chăm lo” như họ xuyên tạc. Sau các vụ biểu tình, gây rối đáng tiếc xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh, đến nay, ngành Công đoàn đã phối hợp tích cực với chính quyền, góp phần ổn định tình hình nhanh chóng, tuyên truyền, giúp đỡ công nhân không nghe theo kẻ xấu, tích cực lao động sản xuất.

Vải thưa không che được mắt… công nhân, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có gần 8 triệu công nhân, viên chức, người lao động tham gia thì dù kêu gào tổ chức này do “chính công nhân thành lập”, nhưng đến nay cũng chưa có công nhân nào trong số hơn 5 triệu công nhân chịu gia nhập tổ chức này.

Thật ra, các tổ chức “độc lập” trên chỉ đại diện cho một nhóm người tiêu cực, bất mãn cá nhân, muốn tập hợp lực lượng để thực hiện các mưu đồ đen tối. Cho dù họ cố tình khuếch trương bằng những cái mác nhân sĩ, trí thức “có tên tuổi” song vẫn không đánh lừa được nhân dân. Ngay cả khi họ được hậu thuẫn từ nước ngoài, có mặt ở các diễn đàn quốc tế như phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc tại Thụy Sĩ đang diễn ra thì những luận điệu lừa bịp của họ vẫn không đánh lừa được các quốc gia trên thế giới và trở nên lạc lõng.

3. Cần hiểu đúng về tự do lập hội theo Hiến pháp

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các hội nếu lập ở phạm vi một tỉnh, thành phố phải được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phê chuẩn và nếu hội hoạt động trên nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau thì phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê chuẩn.

Tuy nhiên, những hội đoàn độc lập hiện nay hầu như không đăng ký, xin phép thành lập, thể hiện sự coi thường pháp luật. Họ còn ngụy biện viện dẫn Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một tổ chức “không xin phép” mà quên rằng vai trò và hoạt động của Đảng đã được ghi rất rõ trong nhiều bản Hiến pháp của nước ta từ trước tới nay.

Để đánh lừa dư luận, các nhà dân chủ luôn đưa ra lập luận rằng, một nhóm trí thức nào đó tự nhiên thành lập hội là không thể vi phạm pháp luật. Họ cố tình quên rằng, Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã quy định rất rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Như vậy, Nhà nước ta ghi nhận quyền tự do lập hội của công dân nhưng để việc thực hiện quyền này do pháp luật (bao gồm Hiến pháp và các luật, văn bản dưới luật) quy định. Hiện chưa có luật về lập hội nhưng quy định về lập hội được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật như: Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957, Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005, Luật Tổ chức chính phủ, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiện nay, hầu hết các hội đoàn độc lập nêu trên đều hoạt động chưa đúng Hiến pháp và pháp luật. Tại cuộc hội thảo “Rà soát pháp luật, bảo đảm các quy định của Hiến pháp về quyền con người” do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức ngày 20/6 vừa qua, đã có nhiều ý kiến thảo luận về việc này. Theo ông Phạm Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền thì hiện Quốc hội đã đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 và một số luật khác như Luật Trưng cầu dân ý, luật về lập hội, tôn giáo… sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Song hiện nay, có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn việc này nên dù Hiến pháp đã có hiệu lực thì việc lập hội vẫn phải “do pháp luật quy định” theo đúng Hiến pháp. Theo ông Phạm Văn Ba, đã có nhiều cơ sở cho thấy những hội, đoàn độc lập trên là các tổ chức bất hợp pháp.

PGS, TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật), một chuyên gia nghiên cứu về nhân quyền đã phân tích, ngay trong Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966, ở khoản 1, Điều 22 đã nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”. Tuy nhiên, khoản 2, Điều 22 chỉ ra: “Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác…”. Như vậy, quyền lập hội được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Không thể tùy tiện lập hội nếu việc lập hội đó phương hại đến lợi ích quốc gia, công cộng và những quyền tự do của người khác.

Trước đó, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội từng khẳng định: “Các luật về biểu tình, lập hội lâu nay bị đưa ra đưa vào với nhiều ý kiến khác nhau cũng là do Quốc hội thấy việc chuẩn bị chưa thật chất lượng, chưa đạt yêu cầu. Theo yêu cầu của Hiến pháp lần này, các luật ấy sẽ có”.

Thực tiễn cho thấy, Nhà nước Việt Nam luôn ghi nhận, tôn trọng và ngày càng hoàn thiện, bảo đảm tốt hơn việc thực thi quyền lập hội của công dân. Những luận điệu kêu gọi thành lập các hội, đoàn độc lập trái pháp luật và dựa vào đó để lu loa Việt Nam vi phạm nhân quyền, đưa hạn chế về lập hội thành một điều kiện khi Việt Nam gia nhập TPP đều là ngụy biện, sai trái; không đúng với thực tế đang diễn ra./.

 

Đăng nhận xét

 
Top