Ngay sau khi tiếp nhận công văn của Viện Pasteur TP.HCM về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan cúm H5N1, ngày 25/2, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai trước tình hình dịch diễn biến phức tạp.



Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai các biện pháp giám sát chặt người nhập cảnh đi/đến/ở từ vùng có dịch cúm gia cầm A (H5N1) và phối hợp với các trạm kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu.

Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM nhằm xác định nguyên nhân và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng.

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM là đơn vị làm đầu mối, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức theo quy định.

Đối với Trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Sở Y tế yêu cầu phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm A (H5N1) theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và hướng dẫn của các sở, ngành liên quan.

Đồng thời, tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch và báo cáo ngay về HCDC để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Ngành y tế TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống bệnh cúm gia cầm tại cửa khẩu và tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm "Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người" theo quyết định số 30 năm 2008 của Bộ Y tế và tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết.

Những trường hợp này cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong. Báo cáo khẩn về HCDC để được điều tra dịch tễ, lấy mẫu giám sát kịp thời.

Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phải đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A (H5N1) theo đúng quy định. Tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) cho các cơ sở khám chữa bệnh.

👉Nhận định của WHO về tình hình dịch cúm H5N1

Ngày 8/02/2023, WHO công bố ghi nhận đã có một số báo cáo về một số loại động vật có vú (bao gồm chồn, rái cá, cáo và sư tử biển) đã bị nhiễm cúm gia cầm H5N1. Theo WHO, H5N1 đã lây lan sang các loài chim và gia cầm hoang dã trong 25 năm qua, nhưng gần đây xuất hiện lây lan sang động vật có vú là dấu hiệu cần được theo dõi chặt chẽ.

Hiện tại, WHO đánh giá mức độ rủi ro của cúm H5N1 đối với con người là thấp, kể từ khi H5N1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, sự lây truyền H5N1 sang người vẫn không phổ biến và không bền vững. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc của WHO kêu gọi không được chủ quan và cần chuẩn bị các tình huống xấu có thể xảy ra khi có bát kỳ sự biến đổi nào của tác nhân gây bệnh.

Trước mắt, WHO khuyến cáo mọi người không nên tiếp xúc trực tiếp hoặc thu gom động vật hoang dã đã chết hoặc bị bệnh, thay vào đó phải báo ngay cho chính quyền địa phương biết để xử lý. WHO khuyến nghị các quốc gia cần tăng cường giám sát những nơi con người và động vật nuôi hoặc động vật hoang dã có tương tác với nhau.

SKĐS

Đăng nhận xét

 
Top