Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mang mang rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng. Trong đó mạng xã hội được ví như một quyển “từ điển sống” bởi nó chứa khối lượng thông tin khổng lồ, người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính xách tay có kết nối Internet ngồi một chỗ là có thể cập nhật mọi thông tin diễn ra trên toàn thế giới; mọi người có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến trên trang cá nhân, đăng tải, chia sẻ thông tin…



Hằng ngày khi lướt các trang mạng xã hội, chúng ta thấy rất nhiều hình ảnh đẹp, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội… và những hình ảnh đẹp ngày càng lan tỏa với mong muốn đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên nhạn những tiện ích mang lại thì mạng xã hội cũng là công cụ bị một số phần tử xấu lợi dụng để công khai để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau; các thế lực thù địch và đối tượng phản động cố tình bóp méo, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận, làm xấu hình ảnh của đất nước.

Đáng chú ý là thời điểm cả nước diễn ra nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì các tổ chức phản động lưu vong, khủng bố, các đối tượng phản động, chống đối chính trị (Việt Tân, Chân trời mới Media, Dân luận News; Thoibao.de; Tiếng dân News...) liên tiếp đưa các luận điệu xuyên tạc, chống phá; xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng; ủng hộ cho xu hướng “lật sử”, bóp méo và xuyên tạc các danh nhân lịch sử, phủ nhận truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; đưa thông tin không minh bạch, sai sự thật, bất mãn, xuyên tạc, đổ lỗi cho cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, nhằm lôi kéo, kích động những bình luận trái chiều và phản cảm trên mạng xã hội...

Những suy nghĩ lệch lạc, những phát ngôn thiển cận, những hành động thiếu chuẩn mực của những đối tượng nêu trên sẽ bị pháp luật xử lý và chịu sự phán xét của xã hội. Nhưng đáng nguy hại hơn là có những “anh hùng bàn phím” không phân biệt phải - trái, chẳng cần hiểu rõ ngọn nguồn, cứ thấy tin “giật gân” là chia sẻ và bình luận, hùa theo với từ ngữ thiếu thiện chí, thậm chí thô tục, phản văn hóa nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ.

Để phòng ngừa, đấu tranh và cảnh giác trước thông tin, luận điệu xuyên tạc như trên đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên cần phải nâng cao bản lĩnh chính trị, thận trọng trước khi tiếp cận những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng phải tỉnh táo, tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết xã hội, tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không nên vội vàng đưa ra những nhận xét, bình luận không đúng... qua đó để những thông tin xấu độc không còn "đất sống"./..

 

Đăng nhận xét

 
Top